I
NGÀY 16 THÁNG HAI 1833
Đêm 16 rạng 17 tháng hai 1833 là một đêm tốt lành. Ở trên khoảng bóng
tối đêm sâu, vòm trời quang đãng. Đêm ấy là đêm hôn lễ của Marius và
Cosette.
Cả hai ngày vừa qua cũng rất đẹp. Hôn lễ này không phải là cái hôn lễ mà
ông ngoại mơ tưởng, nghĩa là một ngày hội thần tiên có vô số thiên thần và
tiên đồng bay lượn trên đầu đôi vợ chồng mới cưới, một hôn lễ đáng chạm
lên viền cửa. Tuy nhiên cũng rất êm đềm và vui vẻ.
Cách cưới xin năm 1833 khác với ngày nay. Hồi đó, nước Pháp chưa
mượn của nước Anh cái kiểu tế nhị tối cao là đem ngay vợ đi sau khi ở nhà
thờ ra, trốn một nơi nào đó vì xấu hổ với cảnh hạnh phúc của mình, và phối
hợp hành tung của một anh vỡ nợ với niềm say sưa của Thiên Thần Tụng.
Hồi đó, người ta chưa hiểu tính chất thanh khiết đoan trinh và lý thú của việc
cho hạnh phúc của mình nhồi xóc trong xe trạm, lấy tiếng lóc cóc của bánh
xe làm nhịp cho nói huyền bí riêng tư, dùng giường quán làm giường cưới;
lại còn trả một đêm một số tiền cho cái buồng chung chạ để lưu lại đằng sau
mình cái kỷ niệm thiêng liêng nhất lẫn lộn với những cảnh đối diện với anh
xà ích và chị gái quán.
Ở nửa sau cái thế kỷ mà chúng ta đang sống đây, ông xã trưởng với chiếc
băng choàng, ông cố đạo với cái áo lễ, pháp luật và Chúa không đủ nữa. Phải
bổ sung bằng anh đánh xe trạm ở Longjumeau; áo vét xanh viền đỏ, cúc hình
nhạc đồng, lập lắc đeo tay, quần cộc bằng da màu xanh, thét chửi để thúc
những con ngựa Normands buộc đuôi, cầu vai giả, mũ đánh bóng, tóc rắc
phấn, roi to, ủng khỏe. Người Pháp chưa nâng mức mỹ lệ lên đến chỗ tổ
chức cho người ta ném một trận mưa giầy sờn dép cũ lên mái xe của đôi vợ
chồng mới cưới, như giới thượng lưu Anh; cái tục lệ đó được đặt ra để tưởng
nhớ Churchill, từ khi Marlborough cưới vợ mà bị bà cô nổi trận lôi đình và
cái lôi đình đó mang may mắn đến cho ông ta. Dép và giầy vải chưa tham dự
vào lễ cưới của chúng ta. Nhưng hãy kiên nhẫn, mỹ tục còn phát triển thì rồi
chúng ta sẽ đến đó thôi.