Một trăm năm trước cái thời 1833, người ta không tổ chức lễ cưới trên xe
ngựa đi nước kiệu lớn. Thời đó, người ta nghĩ một cách kỳ quặc rằng hôn lễ
là một ngày lễ gia đình và xã hội, và một bữa tiệc gia tộc không làm hỏng vẻ
long trọng thân tình; người ta cho là vui nhộn dù thái quá mà lành mạnh vẫn
không làm thiệt gì cho hạnh phúc; cuối cùng, nếu việc hòa hợp hai số kiếp
mà bắt đầu từ nhà cha mẹ, và từ đó buồng cưới sẽ là người chứng của đôi vợ
chồng trẻ, thì chỉ có tốt và thành kính thôi. Nghĩ như thế cho nên thời đó
người ta trâng tráo làm đám cưới tại nhà.
Vậy nên hôn lễ Marius cử hành ở nhà lão Gillenormand, theo cái mốt
ngày nay lỗi thời. Dù việc cưới xin là việc tự nhiên, việc thường ngày nhưng
mọi thủ tục niêm yết, giấy tờ phải làm, công việc ở Thị Sảnh, ở nhà thờ, bao
giờ cũng có vài rắc rối. Cho nên không thể thu xếp xong trước ngày 16 tháng
hai. Cũng chỉ nói thêm cho chính xác thôi, ngày 16 lại trúng vào ngày lễ Thứ
Ba Béo. Mọi người do dự, ngại ngần, nhất là bà dì Gillenormand. Nhưng lão
Gillenormand bảo:
— Thứ Ba Béo! Càng tốt. Tục ngữ có câu: «Cưới ngày Thứ Ba Béo,
không sinh con bạc bẽo.» Cứ như vậy, 16 thì 16. Marius, con muốn hoãn lại
chăng?
— Hẳn là không ạ. - Anh chàng si tình trả lời.
— Thế thì cứ cưới đi. - Ông già nói.
Đám cưới tổ chức ngày 16, bất chấp chuyện vui công cộng. Hôm ấy trời
mưa, nhưng một đôi trai gái yêu nhau lúc nào cũng tìm thấy một mảnh trời
dành riêng cho họ, dù mưa đổ khắp nơi.
Ngày hôm trước Jean Valjean đã giao cho Marius, trước mặt lão
Gillenormand, số tiền năm trăm tám mươi bốn nghìn francs. Cuộc hôn nhân
làm theo chế độ cộng đồng tài sản
cho nên giấy tờ cũng đơn giản.
Bà Toussaint, Jean Valjean không cần nữa, Cosette được thừa hưởng và
nâng lên làm hầu phòng. Còn Jean Valjean thì ở nhà lão Gillenormand đã có
một gian phòng xinh xắn xếp đặt riêng cho ông ta; Cosette đã bảo ông: “Cha
ơi! Con van cha đấy”, thiết tha đến nỗi Jean Valjean phải hầu như hứa với
nàng ông sẽ đến ở.
Mấy hôm trước ngày cưới, Jean Valjean gặp một điều không may. Ông bị
dập nhẹ ngón tay bên phải, vết thương không nặng lắm, ông không để cho ai