II
LẠI NHỮNG BƯỚC THOÁI LUI NỮA
Ngày hôm sau cũng vào giờ ấy Jean Valjean lại đến. Cosette không hỏi
gì, cũng không tỏ vẻ ngạc nhiên, không kêu lạnh, không nhắc đến phòng
khách; nàng tránh không gọi cha, cũng không gọi bằng ông Jean. Nàng cũng
để yên Jean Valjean gọi mình là bà, nhưng xem vẻ nàng kém vui, nhưng
nàng không buồn vì nàng không thể buồn được thôi.
Có lẽ nàng và Marius đã nói chuyện với nhau, chuyện của người chồng
yêu muốn nói sao vợ cũng ừ, chẳng cần giải thích gì, người vợ yêu vẫn cứ
thỏa mãn. Trai gái yêu nhau chẳng nghĩ gì xa xôi hơn chuyện yêu nhau.
Cái buồng dưới đã được dọn dẹp đôi chút. Basque đã thu vỏ chai đi.
Nicolette đã khua hết mạng nhện. Những ngày sau, cứ đúng giờ ấy, Jean
Valjean lại đến. Ông đến chẳng sót ngày nào, ông cứ làm y theo lời lẽ
Marius nói ra miệng, chứ không có gan buộc mình hiểu sâu hơn. Marius thì
cố tìm cách vắng mặt lúc Jean Valjean đến. Người nhà cũng quen dần lối đi
lại của ông Fauchelevent. Toussaint còn nói hộ vào:
— Ông ấy xưa nay vẫn thế.
Ông ngoại thì tuyên bố dõng dạc:
— Ông ấy là người độc đáo.
Thế là yên chuyện, vả lại khi đã chín mươi tuổi rồi, thì người ta chẳng
còn biết kết thân bè bạn với ai được, chỉ có ghép với nhau mà thôi. Một
người lạ mặt là một điều khó chịu. Hết chỗ rồi, mọi thói quen đã thành tựu
rồi. Ông Fauchelevent hay ông Tranchelevent cũng thế thôi, lão chỉ muốn
được miễn có “cái ông ấy”. Lão nói thêm:
— Những con người độc đáo ấy lại rất bình thường, họ làm lắm chuyện
kỳ khôi, mà chẳng có lý lẽ gì cả. Hầu Tước De Canaples còn tệ hơn nữa.
Ông ấy tậu một cái lâu đài để ở trên một xó gác áp mái. Người đời thường có
những cái bề ngoài kỳ quặc như vậy.
Không ai hiểu được câu chuyện bi đát bên trong. Ai mà đoán được
chuyện ấy? Có những đầm nước như vậy ở Ấn Độ: Nước ở đấy có vẻ dị
thường, khó hiểu, rung rinh dù không có gió, xao sóng ở chỗ đáng yên tĩnh.