— Thưa bà, cụ Gillenormand cho tôi đến nhắc bà là cơm đã dọn.
Những ngày ấy, Jean Valjean trở về nhà rất tư lự.
Cái ý nghĩ của Marius so sánh Jean Valjean với con nhộng có phần nào
đúng chăng? Jean Valjean có phải là con nhộng không muốn dứt đi và trở về
thăm con bướm của nó không? Một hôm ông ở lại lâu hơn mọi ngày. Ngày
hôm sau, ông thấy lò sưởi không đốt lửa. Ông tự nhủ: “Kìa không có lửa”, và
ông tự giải thích cho mình: “Có gì đâu, đã tháng tư, hết lạnh rồi”.
Cosette vào buồng kêu lên:
— Trời! Sao ở đây lạnh thế!
Jean Valjean nói:
— Không, có lạnh đâu!
— Thế ông bảo ông Basque đừng đốt lửa đấy à?
— Phải rồi! Lát nữa thì sang tháng năm rồi còn gì?
— Người ta đốt lửa đến tháng sáu đấy chứ. Trong cái hầm này thì phải
đốt lửa quanh năm.
— Tôi nghĩ rằng không cần lửa nữa.
— Đúng là một ý kiến của ông - Cosette nói.
Ngày hôm sau có lửa, nhưng hai chiếc ghế tựa lại mang để sang đầu kia
buồng, gần cửa ra vào. Jean Valjean nghĩ bụng: “Thế này là nghĩa gì nhỉ?”.
Ông ra mang hai chiếc ghế để vào chỗ cũ, gần lò sưởi.
Tuy nhiên ngọn lửa đốt lại làm ông mạnh dạn hơn, ông ngồi lâu hơn mọi
ngày. Khi ông đứng dậy sắp ra về thì Cosette bảo:
— Nhà tôi hôm qua vừa bàn với tôi một điều rất ngộ.
— Điều gì đấy?
— Nhà tôi bảo: “Cosette này, chúng ta có ba mươi nghìn francs lợi tức,
hai mươi bảy nghìn của em, còn ba nghìn của ông anh cho anh”. Tôi trả lời:
“Thế vị chi là ba mươi nghìn”. Nhà tôi lại bảo: “Em có can đảm sống với ba
nghìn francs thôi không?” Tôi trả lời: “Được, không đồng nào cũng được,
quý hồ sống với anh”. Rồi tôi lại hỏi: “Sao anh lại hỏi em như thế?” Nhà tôi
trả lời: “Để cho biết”.
Jean Valjean không còn nói được gì. Cosette tưởng ông sẽ giải nghĩa thế
nào. Ông ngồi nghe âm thầm, yên lặng. Ông trở về phố L’Homme Armé.
Ông mải nghĩ ngợi đến nỗi vào lầm cổng, không về nhà ông, mà vào nhà bên