Ngày hôm sau, Cosette say sưa về cuộc đi chơi “vườn cũ”, rất sung sướng đã
“sống lại cả một ngày quá khứ” cho nên chỉ nói đến chuyện ấy thôi. Nàng
chẳng nhớ rằng hôm trước nàng không gặp Jean Valjean.
— Ông bà đi đến phố Plumet bằng gì? - Jean Valjean hỏi.
— Đi bộ.
— Thế về bằng gì?
— Xe hàng.
Đã ít lâu nay Jean Valjean nhận thấy lối sống eo hẹp của cặp vợ chồng
trẻ. Ông lấy làm khó chịu. Marius chi dùng chặt chẽ quá. Jean Valjean mà đã
cho là chặt chẽ thì phải là chặt chẽ thật sự. Ông hỏi thử một câu:
— Sao ông bà không sắm chiếc xe nhà? Một chiếc xe hòm hai chỗ xinh
xắn mỗi tháng chỉ tốn năm trăm francs. Ông bà giàu kia mà?
— Tôi cũng chẳng biết - Cosette trả lời.
Jean Valjean nói tiếp:
— Khoản mụ Toussaint cũng vậy. Mụ ấy đi bà chẳng thuê ai thay. Vì sao
thế?
— Nicolette cũng đủ rồi.
— Nhưng bà phải có một người hầu buồng chứ?
— Chả có Marius rồi sao?
— Ông bà phải có một giàn giá riêng, những kẻ hầu riêng của ông bà,
một chiếc xe ngựa, giữ một lô ở nhà hát. Ông bà đáng có những gì đẹp nhất.
Tại sao lại không lợi dụng cái phú quý của mình. Tiền tài cũng làm tăng
thêm hạnh phúc chứ?
Cosette không trả lời.
Những buổi đến thăm, Jean Valjean ngày càng ở lâu. Khi lòng người đã
bị lôi kéo, khó có cái gì giữ lại được. Mỗi khi Jean Valjean muốn ngồi lâu,
để cho Cosette quên thì giờ, ông ca ngợi Marius, nào là Marius đẹp, nào là
cao thượng, dũng cảm, nào là ý nhị, lanh trí, hùng hồn, tốt bụng. Cosette phụ
họa. Jean Valjean nhắc lại cứ như thế không bao giờ hết. Cái tên Marius như
một kho tàng vô tận, trong sáu chữ cái
mà có biết bao nhiêu pho sách.
Nhờ vậy mà Jean Valjean ngồi lại được rất lâu. Được nhìn Cosette, quên tất
cả bên nàng, êm ái biết bao; vết thương của ông vậy là được băng bó. Có
khi, Basque phải hai lần đến nhắc: