III
HỌ NHỚ LẠI CÁI VƯỜN PHỐ PLUMET
Đó là lần cuối. Ngọn lửa cuối cùng bùng lên như vậy rồi sau đó thì tắt
hẳn, hết thân mật, hết chào hỏi kèm một chiếc hôn, hết cái tiếng “cha ơi” vô
cùng êm ái. Chính Jean Valjean đã yêu cầu như vậy và đồng lõa như vậy:
Ông từ bỏ hết những hạnh phúc của mình. Ông đau khổ khi mất hết cả
Cosette trong một ngày, nay lại đau khổ mất Cosette dần dần từng mảnh nữa.
Ánh sáng lờ mờ dưới hầm, mắt người ta rồi cũng quen, một ngày được
thấy mặt Cosette một lần cũng đủ rồi. Tất cả cuộc đời Jean Valjean thu gọn
vào giờ phút ấy. Ông ngồi bên cạnh nàng, nhìn nàng thầm lặng hay ông nhắc
lại những câu chuyện năm xưa, hồi nàng còn thơ ấu, nhắc đến nhà tu kín và
những bạn nhỏ của nàng hồi ấy.
Một buổi chiều, bấy giờ đã bắt đầu tháng tư, khi trời đã ấm tuy vẫn còn
lành lạnh, mặt trời đã trở lại tươi sáng. Mấy miếng vườn xung quanh cửa sổ
phòng Marius và Cosette như say sưa bừng thức giấc: Cây sơn trà sắp nở
hoa, hoa thập tự giăng một dãy nữ trang lên khắp mặt tường cũ, hoa mõm sói
há miệng hồng trong kẽ đá, hoa bạch cúc, hoa mao lương đã chớm nở trên
bờ cỏ, bướm trắng đã bắt đầu bay ra, gió xuân, viên nhạc công trong ngày
hội thiên nhiên, dạo thử giữa lùm cây những tiếng nhạc đầu tiên của khúc
hòa âm bình minh mà các nhà thi sĩ cổ mệnh danh là buổi Hồi Xuân.
Marius bảo Cosette:
— Chúng mình vẫn cứ ước ao đến thăm vườn cũ phố Plumet. Đi đi, em ạ,
ta không được quên ơn.
Như hai con chim én, họ bay về mùa xuân. Cái vườn phố Plumet đối với
họ chẳng khác gì buổi bình minh. Họ đã sống qua một thời kỳ có thể gọi là
mùa xuân yêu đương của họ. Cái nhà phố Plumet thuê dài hạn vẫn thuộc
quyền sử dụng của Cosette. Họ đến cái nhà và cái vườn ấy. Họ gặp lại họ
những ngày đầu và họ say sưa quên lãng tất cả.
Buổi chiều, giờ thường lệ, Jean Valjean đến phố Filles Du Calvaire.
Basque bảo ông: “Bà tôi đi chơi với ông chưa về ạ”. Jean Valjean âm thầm
ngồi và đợi một tiếng đồng hồ. Cosette vẫn chưa về, ông cúi đầu bước ra.