kịch Cromwell, bài tựa của vở này được coi như bản tuyên ngôn của Phái
Lãng Mạn. Hugo chủ trương phá bỏ tất cả những luật lệ cổ điển, khắt khe và
đòi hỏi phải tôn trọng hiện thực, đòi hỏi tự do tưởng tượng. Vở kịch Hernani,
diễn năm 1830, gây ra những cuộc chiến đấu và những cuộc tranh luận kịch
liệt giữa phái cũ và phái mới. Nghệ thuật lãng mạn hoàn toàn thắng lợi. Trên
những nguyên tắc hoàn toàn mới về kịch, Hugo viết một loạt những vở kịch
lãng mạn: Marion Delorme (1829), Lucrèce Borgia (1833), Marie Tudor
(1833) và đặc biệt Ruy Blas (1838). Ông đưa lên sân khấu những hoàn cảnh
vĩ đại, những con người đầy nhiệt huyết, những mâu thuẫn gay gắt nóng
bỏng, những trái tim nồng cháy. Người ta chú ý nhất đến vở Ruy Blas, trình
bày nhân vật chính là một người đầy tớ có tâm hồn cao thượng và yêu tha
thiết Hoàng Hậu Tây Ban Nha. Đó là cả một cuộc Cách Mạng về quan niệm
kịch của Hugo, trái hẳn lại với quan niệm kịch cổ điển.
Từ sau 1830, bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời, cũng như trong
sáng tác của Hugo. Phong trào Cách Mạng Pháp càng ngày càng mạnh mẽ.
Từ 1830 đến 1832 tại một số thành phố lớn ở Pháp, nhất là Paris và Lyon,
nhân dân lao động nổi dậy chống chính quyền tư sản phản động, Hugo có
cảm tình đặc biệt với phong trào Cách Mạng. Trong bài tựa cuốn Lucrèce
Borgia (1833), ông tuyên bố nhà văn phải “sáng tác đồng thời với đấu tranh
chính trị”. Từ 1830, Hugo không ngừng sáng tác và không ngừng tích cực
tham gia đấu tranh chính trị. Phái lãng mạn thành hình từ 1810, đã có sự chia
rẽ: Một bên chủ trương nghệ thuật vì nghệ thuật, đứng đầu là Théophile
Gautier; một bên chủ trương nghệ thuật phục vụ dân sinh; Victor Hugo là
người sáng lập ra dòng sau này. Đến năm 1859, ông viết cho thi sĩ Charles
Baudelaire: “Không bao giờ tôi chủ trương nghệ thuật vì nghệ thuật; bao giờ
tôi cũng nói: Nghệ thuật phải phục vụ cho tiến bộ”. Hugo viết để phục vụ
đấu tranh, phục vụ quần chúng. Trong tư tưởng của ông, đã có một chuyển
hướng quyết định. Chế độ phản động của Louis XVIII, cuộc Cách Mạng
1830, 1832 là những nguyên nhân sâu sắc của sự chuyển biến trong tư tưởng
của nhà văn.
Năm 1831, ông viết cuốn tiểu thuyết lịch sử vĩ đại Nhà Thờ Đức Bà Paris,
một cuốn tiểu thuyết lãng mạn tích cực điển hình. Ông đả kích kịch liệt bọn
quý tộc, đề cao tấm lòng cao thượng, trong sáng của người bình dân. Cũng