không nhất trí. Trong vụ án này có phần ly kỳ mà cũng có phần làm cho
người ta kinh hoảng, tấn bi kịch không những ảm đạm mà còn có gì tăm tối
nữa.
Người biện hộ cãi cũng khéo. Thứ tiếng địa phương ông ta nói, một thời
gian khá lâu, đã làm nên ngôn ngữ hùng biện của tòa án mà giới luật sư đâu
cũng dùng. Loại ngôn ngữ ấy ngày nay đã thành cổ điển và chỉ nghe thấy ở
cửa miệng các luật sư công tố viên, nó thích hợp với các ngài vì nó kêu, nó
nghiêm trang và oai vệ. Trong ngôn ngữ ấy chồng được gọi là phu, vợ là
phụ; Paris thì thay bằng trung tâm văn hiến, vua là Hoàng Thượng, Giám
Mục là sứ giả thánh đường, Công Tố Viên là phát ngôn hùng hồn của luật
pháp, lời cãi của Trạng Sư là những giọng điệu biện hộ, triều đại Louis XIV
là thế kỷ vĩ đại, nhà hát là đền nữ thần Melpomène, dòng họ nhà vua là kim
chi ngọc diệp, buổi hòa nhạc là nhạc đội, tướng tư lệnh trong tỉnh là nhà
quân sự trứ danh… Rồi học trò chủng viện lại gọi là những nhà tu hành thiếu
niên, những sai lầm của báo chí là sự xảo quyệt xuất tiết độc tố vào cơ thể
báo chương… Luật sư ấy bắt đầu bằng việc giải thích việc ăn trộm táo, dùng
lời văn hoa mỹ mà nói chuyện ăn trộm kể cũng khó đấy, nhưng phải nhớ
rằng ông Bossuet ngày xưa, trong bài văn tế có lần phải nhắc đến con gà mái
mà còn nói lên được những lời châu ngọc nữa là! Luật sư giãi bày rằng việc
ăn trộm táo không có bằng cớ đích xác. Khách hàng của ông - mà ông cứ
nhất định gọi là Champmathieu - có ai trông thấy hắn trèo tường hay bẻ cây
cối đâu. Người ta bắt được hắn tay cầm cành táo (mà ông ta thích gọi là
nhánh hơn) nhưng hắn nói là thấy rớt ở dưới đất nên nhặt lấy thôi. Lấy gì
làm bằng mà bảo hắn khai man? Chắc chắn là có kẻ trèo tường bẻ táo thấy
động thì vứt lại đó; chắc chắn là có kẻ ăn trộm. Nhưng lấy gì làm bằng mà
bảo đứa ăn trộm đó là Champmathieu? Chỉ có một điều. Cái tư cách là khổ
sai về. Luật sư phải nhận là khó chối vì chứng cứ rành rành. Bị cáo có ở
Faverolles; bị cáo làm nghề xén cây: Cái tên Champmathieu rất có thể do
chữ Jean Mathieu mà ra; những điều ấy đều đúng cả, sau nữa có bốn người
làm chứng đều nhận ngay được hắn và quả quyết Champmathieu là tên tù
khổ sai Jean Valjean. Để chống lại những điều tố cáo ấy, những chứng cớ ấy,
luật sư chỉ còn biết dựa vào lời chối cãi của khách hàng mình, lời phủ nhận
có lợi cho mình. Nhưng giả thử hắn là Jean Valjean thật, thì cái đó có phải là