củi khô, sau thì thành khúc gỗ cháy. Về sau, lòng quảng đại nhân từ đã cứu
vớt tôi, cũng như trước kia sự nghiêm khắc đã làm tôi hư hỏng. Nhưng mà
xin lỗi các ông, các ông không thể hiểu những điều tôi vừa nói đâu. Các ông
đến nhà tôi sẽ thấy trong đống tro đồng hào mà tôi đã cướp của thằng bé
Gervais bảy năm trước đây. Tôi nói thế là đủ. Bắt giam tôi đi. Trời ơi! Ông
Công Tố lắc đầu, các ông chắc bảo: “Ông Madeleine hóa điên rồi!” Các ông
không tin tôi! Thật là đáng buồn. Ít ra cũng xin các ông đừng làm tội oan
người này. Sao! Bọn các anh này không nhận ra được tôi à? Ước gì có Javert
ở đây nhỉ. Anh ta thì nhận ra tôi ngay.
Giọng của ông có cái gì buồn rầu, độ lượng và âm thầm rất khó tả. Ông
quay sang hỏi ba tên tù khổ sai:
— Tôi thì tôi nhận ra được các anh! Brevet, còn nhớ không?…
Ông ngừng lại, lưỡng lự một tí rồi tiếp:
— Anh còn nhớ ở trong tù anh vẫn có cái đai quần đan ô vuông không?
Brevet giật mình sợ hãi, nhìn ông từ đầu đến chân. Ông vẫn nói tiếp:
— Chenildieu (Nguyên văn Chenidieu đọc tương tự như «Je nie Dieu»:
Tôi không thừa nhận Chúa) anh vẫn tự xưng là thằng “không có Chúa”. Vai
bên phải anh có vết bỏng lớn. Một hôm anh dí vai vào một cái hỏa lò than
hồng để cố xóa mấy chữ KSCT (Khổ sai chung thân. Nguyên bản: T.F.P:
«Travaux forcés a perpétuité») mà nó vẫn cứ rõ. Có phải thế không? Nói đi!
Chenildieu đáp:
— Đúng thế.
Ông quay lại nói với Cochepaille:
— Cochepaille, cánh tay trái anh có trổ một hàng chữ màu xanh bằng
thuốc súng: “Ngày 1 tháng 3 năm 1815” tức là ngày Đức Hoàng Đế đổ bộ
lên bến Cannes. Vén tay áo lên xem nào.
Cochepaille vén tay áo lên. Bao nhiêu con mắt đều đổ dồn vào cánh tay
để trần. Một người lính sen đầm cầm đèn soi vào: Hàng chữ có thật.
Con người tội nghiệp ấy quay nhìn sang chỗ công chúng và chỗ quan tòa
với một nụ cười trông đến não ruột, cái nụ cười đắc thắng mà cũng là cái nụ
cười thất vọng.
— Đấy nhé, có phải chính tôi là Jean Valjean không nào.
Trong phòng bấy giờ không còn ai là quan tòa, là công tố viên, là lính sen