rừng chung quanh tu viện Villers đã che chở cho họ suốt mấy ngày đêm liền.
Ngày nay theo một số dấu vết còn nhận ra được, thí dụ các súc gỗ cháy sém,
có thể tìm lại được những nơi mà đoàn người run sợ đã cắm lều nấp tạm giữa
vùng gai góc. Riêng Guillaume Van Kylsom lại ở lại Hougomont để “giữ tòa
lâu đài”. Ông ta thu mình trong một cái hầm rượu dưới nhà. Quân Anh phát
hiện ra được. Chúng lôi ông ra khỏi hầm và dùng bản kiếm đánh, bắt con
người hoảng sợ ấy phải phục dịch. Chúng kêu khát thì ông phải đem nước
đến. Nước lấy ở cái giếng này. Nhiều tên đã uống ngụm nước cuối cùng ở
đây. Bao nhiêu kẻ chết đã uống ở giếng này và cái giếng cũng phải chết theo.
Sau trận đánh, người ta vội vã chôn các xác chết. Cái chết thường có cách
riêng của mình để báo hại chiến thắng và sau vinh quang là dịch tễ. Thương
hàn là cái đuôi của chiến thắng. Cái giếng khá sâu, người ta dùng luôn nó
làm ngôi mộ và vứt xuống đó ba trăm người chết. Vứt vội vứt vàng nên
không chắc là đã chết cả. Tục truyền vẫn có người còn sống. Và nghe đâu,
đêm hôm sau, trong giếng văng vẳng có tiếng người kêu. Giếng nằm biệt lập
giữa sân. Ba tấm vách nửa đá nửa gạch xếp lại như ba cánh bình phong, bọc
ba mặt như một lô cốt hình vuông. Mặt thứ tư để hở, là nơi người ta đến múc
nước. Trên tấm vách phía sau có một lỗ trống, có lẽ là do đạn pháo bắn
thủng, nên chẳng ra hình thù gì cả. Lô cốt ấy nguyên có trần nhưng giờ chỉ
còn trơ mấy chiếc xà ngang. Các thanh sắt đỡ tường bên phải xếp thành hình
một chữ thập. Bước vào giếng, cúi xuống nhìn, chỉ thấy vách gạch tròn và
một hố sâu thẳm tối om om. Chung quanh, dền gai mọc đầy phủ kín cả chân
tường. Đằng trước giếng cũng không có phiến đá to màu xanh, làm cái bình
phong như thói thường ở Bỉ. Thay vào đó là một súc gỗ nằm ngang làm chỗ
gối đầu cho năm sáu đoạn gỗ hình thù xấu xí, đầy mắt, cứng đờ như những
xương người to tướng. Chẳng còn gầu, dây, ròng rọc gì cả, nhưng cái chậu
đá để đổ nước vào thì hãy còn, đọng đầy nước mưa. Thỉnh thoảng một con
chim rừng đâu đó lại bay đến uống nước rồi vụt biến mất.
Giữa cảnh hoang tàn này, một ngôi nhà còn có người ở là ngôi nhà của
người tá điền. Nhà này thông với sân. Trên cửa ra vào, gần ổ khóa kiểu xưa
còn có quả nắm sắt chạm hình lá đỗ, bắt chênh chếch. Hồi đang đánh nhau,
lúc viên trung úy người Đức là Wilda, vừa đưa tay cầm quả nắm để mở cửa
vào trốn trong nhà này thì một công binh Pháp vung búa chặt phăng bàn tay