ấy. Ông cụ làm vườn Van Kylsom qua đời đã lâu. Bây giờ người ở ngôi nhà
này là con cháu của cụ, gọi cụ bằng ông. Một người đàn bà tóc đã hoa râm
kể: “Hồi ấy tôi có ở đây. Tôi mới lên ba. Chị tôi lớn hơn tôi, chị tôi sợ, chị
tôi khóc. Cả nhà đưa chúng tôi vào rừng. Mẹ tôi ẵm lấy tôi. Ai nấy đều ghé
tai xuống đất để nghe ngóng. Còn tôi, tôi bắt chước tiếng đại bác, cứ bùm
bùm luôn miệng”.
Bên trái có cửa thông ra vườn cây ăn quả. Vườn cây này mới thật ghê
gớm. Có ba phần, có thể nói là ba hồi. Phần thứ nhất nguyên là một mảnh
vườn cảnh, phần thứ hai là vườn cây ăn quả, phần thứ ba là một khóm rừng.
Cả ba phần đều có một hàng rào chung phía phía đi vào lâu đài và nhà trại.
Còn bên trái là một hàng giậu, bên phải là một bức tường bằng gạch, phía
sau là một bức tường đá. Bước vào là đến khu vườn cảnh trước hết. Nó
chiếm phần đất thấp, trồng dâu đất, nhưng đầy gai góc, đằng cuối có một cái
nền đất cao đồ sộ chắn ngang, bằng đá tảng, có hàng bao lơn chạy bọc. Đây
là một kiểu vườn vương giả ở nước Pháp trước khi kiểu vườn Lenôtre ra đời.
Nhưng bây giờ thì chỉ còn hoang tàn và gai góc. Cột vôi đều có quả cầu trên
đỉnh, giống như những quả đạn bằng đá. Trụ bao lơn còn được bốn mươi ba
cái nguyên, bao nhiêu cái khác đều ngã nằm trong cỏ. Hầu hết đều có vết đạn
sây sứt. Có một trụ gãy nằm vật ngang nom như một cái chân người bị rời ra.
So với vườn cây thì khu này thấp hơn. Chính trong vườn này, sáu binh sĩ
trong đoàn khinh binh số 1, lọt được vào nhưng không trở ra nổi. Bị vít lại
với hai đại đội quân Đức, trong đó có một đại đội trang bị súng nhẹ bắn
nhanh. Bọn Đức nấp dọc theo dãy bao lơn bắc từ trên cao xuống. Số khinh
binh bắn trả lại từ bên dưới lên. Sáu người mà chống lại hai trăm, chỉ bằng
dũng cảm, chỉ có những cây dâu đất che mình. Thế mà đến một khắc mới
chịu chết.
Bước qua một vài bậc đá thì sang vườn cây ăn quả. Chính trên khoảnh đất
chỉ mấy thước này, một nghìn năm trăm người đã ngã xuống trong khoảng
thời gian không đầy một tiếng đồng hồ. Nhìn lên vẫn thấy bức tường như
đang sẵn sàng trở lại chiến đấu. Ba mươi tám lỗ châu mai do quân Anh đục
trong đá ở đủ tầm cao thấp khác nhau, hãy còn nguyên đó. Hai ngôi mộ
người Anh bằng đá hoa cương nằm dài trước lỗ thứ mười sáu. Chỉ bức tường
phía Nam có lỗ châu mai. Đợt tấn công chính xuất phát từ phía bức tường có