III
NGÀY 18 THÁNG SÁU 1815
Xin trở lui về trước - người kể chuyện thường được phép làm như vậy -
và đặt mình vào năm 1815, hơn thế nữa, vào trước lúc câu chuyện trong
phần một sách này bắt đầu một ít.
Ví thử cái đêm 17 rạng ngày 18 tháng 6 năm 1815 mà trời không mưa thì
tương lai Châu Âu chắc không phải thế này. Quả là một vài giọt mưa thêm
bớt đã làm cho Napoléon nghiêng ngả. Té ra Đấng Cao Cả chỉ cần thêm một
ít mưa là trang sử vẻ vang bắt đầu từ Austerlitz đành chấm dứt ở Waterloo
và một đám mây trái mùa bay ngang bầu trời lại đủ làm sụp đổ cả một thế
giới.
Trận Waterloo đến tận mười một giờ rưỡi trưa mới bắt đầu được. Nhờ thế
nên Blücher mới có thì giờ đến kịp. Tại sao lại chậm thế? Là vì trời mưa, đất
ướt, phải đợi cho đất se lại một tí thì pháo binh mới vận động được.
Napoléon trước kia là sĩ quan pháo binh, ông cũng luôn luôn thấy mình là
như vậy. Cái căn bản của nhà quân sự vĩ đại ấy, là con người, từ thời Đốc
Chính khi báo về trận Aboukir, đã nói chính xác rằng: Quả đạn pháo này đã
diệt sáu tên địch. Ở con người này tất cả kế hoạch đánh trận đều phục vụ cho
con đường đi của đạn pháo. Nã tập trung pháo vào một điểm nhất định, đó bí
quyết của chiến thắng. Ông coi chiến lược của tướng địch như một thành lũy
và ông đánh thủng nó bằng pháo binh. Lâm trận, ông cho tập trung pháo vào
chỗ bên địch núng thế; ông thắt trận đánh lại hay giải quyết trận đánh đều
bằng đại bác. Trong thiên tài của ông có phần xạ kích. Chọc thủng các đội
hình vuông, nghiền nát từng trung đoàn, chọc thủng các trận tuyến, đè bẹp,
đánh tan những khối tập trung, tất cả chiến thuật của ông là dập, dập mạnh,
dập không ngừng và ông dùng đạn đại bác để dập địch. Thật là một chiến
thuật đáng sợ. Chiến thuật ấy, đi kèm theo thiên tài quân sự, đã khiến cho
người đô vật dữ dội ấy giữ cờ vô địch suốt mười lăm năm.
Ngày 18 tháng 6 năm 1815, ông lại càng tin cậy ở pháo binh vì so với
địch ông nắm trong tay nhiều pháo hơn. Tướng Wellington bấy giờ chỉ có
một trăm năm mươi chín khẩu pháo, còn Napoléon có đến hai trăm bốn