mù mờ, thì chỉ có đoán mới biết. Cho nên người chép sử tùy mình mà ghi
thành một nét phang phác nào đó về những chỗ lộn xộn ấy. Bởi vì, dù các
tướng cầm quân có tính toán như thế nào đi nữa, khi hai đạo quân chạm nhau
nhất định sinh ra vô số những điều bất ngờ. Trong quá trình hai bên đánh
nhau, hai kế hoạch tác chiến cài vào nhau, làm biến dạng lẫn nhau. Chỗ nào
trên chiến trường tiêu hao nhiều chiến sĩ hơn chỗ khác, cũng như đổ nước
lên đất thì có nơi đất hút nhanh, có nơi đất hút chậm, cho nên phải đổ bù
quân vào đó quá mức mong muốn. Đó là những khoản chi không dự kiến!
Chiến tuyến bềnh bồng quanh co, như một sợi chỉ, máu chảy thành dòng một
cách không hợp lý, phòng tuyến các đạo quân nhấp nhô, các trung đoàn nơi
thì lồi ra nơi thì lõm vào thành những mũi, những vịnh, tất cả những dãy đá
ngầm trên mặt bể kia cử động liên tục trước mặt nhau. Chỗ nào là bộ binh
trước kia thì pháo binh lúc này kéo đến; chỗ nào là pháo binh thì kỵ binh ùa
lại; các tiểu đoàn tưởng như những đám khói. Hình như trong đó đang xảy ra
chuyện gì, người đang tìm, thì cái đó lại biến mất rồi. Mới thấy hé sáng chỗ
này thì lại đã sáng sang chỗ khác. Bóng tối tiến lên, lùi xuống. Hình như có
một ngọn gió của cõi âm đang nổi lên, xô đẩy, thổi căng, thổi giạt đi tất cả
những đám đông bi hùng này. Hỗn chiến là gì? Là một sự chao đảo. Một kế
hoạch dù chính xác như toán học đi nữa, đem ra thực hiện, có giã nguyên
không sai chạy tí nào là trong một hai phút chứ không thể trong một ngày
được. Cho nên chỉ có những nhà danh họa biết tung hoành ngọn bút mới mô
tả được một trận đánh. Và như thế Rembrandt hợp hơn Van Der Meulen.
Van Der Meulen, họa cảnh chiến trường rất đúng vào giờ ngọ, nhưng người
mục kích cùng chiến trường ấy vào giờ thân thì cho là vẽ láo. Ở lĩnh vực này
cái gì chân phương hình học lại khiến người ta lầm lạc; trái lại phải linh hoạt,
dữ dội như bão tố thì mới nắm được sự thật. Có lẽ vì vậy mà nhà chiến thuật
ngày nay mới nói ngược lại nhà sử học ngày xưa được. Cũng xin nói thêm
rằng có lúc nào đó, trận đánh chỉ còn là những cuộc xung đột nho nhỏ, riêng
biệt ở từng nơi và phân tán ra vô vàn những sự biến vụn vặt, những cái này,
theo cách nói của chính bản thân Napoléon “thuộc tiểu sử của các trung đoàn
nhiều hơn là lịch sử của đạo quân”. Trong trường hợp này, người viết sử rõ
ràng là có quyền tóm tắt. Bởi vì chỉ có thể nắm được những nét bao quát và
chính yếu của trận đánh, chứ dù có cần cù đến đâu cũng không tài nào ghi