V
TRẬN ĐÁNH CÓ ĐIỂM MỜ MỊT
(Nguyên văn La Tinh: Quid obseurum)
Mọi người đều biết giai đoạn đầu của trận đánh. Thật là bối rối, mơ hồ,
ngập ngừng, nguy hiểm cho cả hai đạo quân, phía quân Anh còn nặng nề hơn
phía quân Pháp.
Cả đêm hôm trước trời mưa rất to. Đất bị ướt sũng. Đây đó trên cánh
đồng, nước mưa đọng lại các chỗ trũng như trong những chậu thau. Có nơi
xe cộ của hậu cần nước ngập đến tận trục; từ những dây da quàng dưới bụng
ngựa ở các cỗ xe, bùn lỏng chảy rỏ giọt. Giá không có lúa mì, lúa mạch bị xe
cộ rộn rịp giày xuống lấp kín vết xe làm cái lót cho bánh lăn đi, thì bất kỳ xe
pháo nào cũng không cử động được, đặc biệt ở các thung lũng mạn
Papelotte.
Trận đánh bắt đầu muộn. Như trên kia đã nói. Napoléon có thói quen
muốn nắm chắc pháo binh trong tay như nắm cây súng ngắn, để cần thì lúc
chĩa vào điểm này, lúc chĩa vào điểm khác trên chiến trường, nên ông có ý
đợi cho mặt trời lên và đất khô đi để các khẩu pháo có ngựa kéo có thể lăn
bánh chạy ngang dọc tha hồ. Nhưng mặt trời không hiện ra. Thật chẳng còn
như cảnh Austerlitz.
Khi phát đại bác đầu tiên gầm lên, viên tướng Anh là
Colville nhìn đồng hồ đúng mười một giờ ba mươi lăm phút. Cuộc tấn công
của cánh trái quân Pháp vào Hougomont bắt đầu dữ dội, có lẽ quá dữ dội so
với ý định của Napoléon. Cùng lúc ấy, Napoléon cho lữ đoàn Quiot xông lên
Haie Sainte, đánh vỗ vào mặt giữa, còn Ney thì cho cánh phải tiến đánh cánh
trái quân Anh đang lấy Papelotte làm chỗ tựa.
Cuộc tấn công vào Hougomont có hàm ý nghi binh để nhử Wellington
nghiêng về phía cánh trái đó. Kế hoạch là như vậy. Ý đồ ấy có lẽ thực hiện
được, nếu bốn đại đội vệ binh Anh và sư đoàn quân Bỉ dũng cảm của tướng
Perponcher không giữ vững nổi vị trí này. Nhưng họ đã cố thủ được và vì thế
Wellington, đáng lẽ phải dồn quân về đó, chỉ cần tiếp viện có bốn đại đội vệ
binh khác và một tiểu đoàn của Brunswick.