Wellington: “Phải cho cái chú người Anh bé nhỏ này một bài học!” Người
cứ nói chuyện mà ngoài trời mưa càng to, sấm chớp càng dữ.
Đến ba giờ rưỡi sáng, cái ảo tưởng quân địch rút không còn nữa: Nhiều sĩ
quan phái đi trinh sát trở về báo là bên chúng chẳng động tĩnh gì cả. Tất cả
đều im lìm, lửa trong các trại chẳng chỗ nào tắt. Quân địch đang ngủ. Mặt
đất im lặng hoàn toàn, chỉ trên trời là ầm ĩ. Bốn giờ, lính canh dẫn đến trước
mặt người một nông nô. Người này đã dẫn đường cho một lữ đoàn địch, chắc
là lữ đoàn Vivian, đến bố trí ở làng Ohain, bên cực tả. Năm giờ, hai lính Bỉ
đào ngũ đưa tin là họ vừa trốn khỏi trung đoàn họ và quân Anh đang sẵn
sàng chờ đánh nhau. Người nói to: “Càng tốt, ta thích quật chúng hơn là đẩy
chúng rút lui".
Sáng hôm sau, người dừng lại ở bãi cỏ chỗ khúc ngoặt của Plancenoit.
Người rời lưng ngựa, bước xuống bùn, gọi lính lôi từ nhà trại Rossomme ra
một cái bàn nấu bếp và một cái ghế cục mịch, rải một bó rơm làm thảm rồi
đặt lên đó. Người ngồi xuống, mở bản đồ chiến trường ra trải lên bàn rồi vui
vẻ bảo Soult: “Đẹp nhé! Như một bàn cờ".
Đêm qua mưa, đoàn xe quân lương ì ạch mãi trong các ngả đường lầy lội,
đến sáng vẫn chưa tới kịp. Quân lính suốt đêm bị mưa ướt, không ngủ được,
lại phải nhịn đói. Thế mà người vẫn nói với Ney một cách vui vẻ, nhẹ nhàng:
“Trăm phần chúng ta cầm chắc trong tay chín mươi rồi". Tám giờ, cơm sáng
dọn ra. Người mời nhiều vị tướng quân cùng ăn. Vừa ăn, có người kể rằng
đêm hôm kia, Wellington có mặt ở dạ hội khiêu vũ tại nhà bà Công Tước
Richmond ở Bruxelles. Soult, vị tướng quân khắc khổ, có nét mặt của một
ông Giám Mục, nghe thế, liền nói: “Hôm nay mới thật là khiêu vũ đây!” Ney
tiếp: “Wellington có dại gì mà chờ bệ hạ!” Người liền chế Ney về câu ấy, đó
cũng là thói quen của người. Fleury bảo với Chaboulon: “Ông ấy đùa luôn
miệng". Gourgaud nói: “Căn bản ông ấy tính tình vui vẻ". Còn Benjamin
Constance nói: “Ông ấy đùa nhiều nhưng có phần kỳ quặc hơn là hóm hỉnh".
Những phút vui đùa của các bậc anh hùng, kể ra cũng đáng nhấn mạnh một
tí. Chính người đã từng gọi ưu binh của mình là “dân hay cáu”, rồi xách tai,
kéo râu họ. Và chính mồm họ lại có kẻ nói: Ngài chỉ nghịch thôi! Trong
chuyến đi bí mật từ đảo Elbe về đất Pháp, ngày 27 tháng 2, đương giữa bể
khơi, chiếc thuyền buồm Vô Định chở giấu Napoléon gặp phải chiến hạm