Bên trái cửa ra vào, nhìn ra mặt đường, cao ngang đầu người, có một cửa
tò vò mà người ta đã bít lại còn như một cái ổ vuông đầy những hòn đá mà
trẻ con khi qua lại ném vào. Một phần căn nhà này gần đây đã bị phá hủy.
Phần còn lại cũng có thể giúp ta mường tượng được trước kia cả cái nhà ấy
như thế nào. Toàn bộ cái nhà ấy tuổi chưa ngoài một trăm. Một trăm năm đối
với một nhà thờ là tuổi trẻ, nhưng là tuổi già đối với một cái nhà ở. Hình như
nhà ở của người đời cũng ngắn ngủi như đời người, còn nhà của Chúa thì
cũng vĩnh cửu như Chúa.
Những người phát thư của bưu điện gọi cái nhà nát ấy là nhà số 50-52.
Nhưng ở trong khu này người ta quen gọi nó là nhà ông Gorbeau.
Hãy kể xem vì đâu nó mang cái tên đó.
Những kẻ thích cóp nhặt các sự việc nhỏ và xếp lại như một tập mẩu thực
vật, đã ghim vào ký ức họ những niên đại thoáng qua, chắc biết rằng ở thế kỷ
trước, vào khoảng những năm 1770 có hai ông biện lý ở tòa án Châtelet, một
ông tên là Corbeau, một ông tên là Renard.
Fontaine
trước kia đã nói đến. Cơ hội quả thật là rất tốt để cho giới tư
pháp tha hồ cười cợt. Thơ, vè chế nhạo, xuất hiện ngay tức khắc và truyền đi
trong những tòa án ở Paris. Có những câu thơ ít nhiều khập khiễng:
«Trạng sư Quạ đỗ trên giấy má
Ngậm trong mồm một lá tịch biên
Đánh hơi trạng Cáo tới liền
Múa môi uốn lưỡi bẩm lên: “Thưa ngài…”»
Những câu chế giễu làm cho hai vị biện lý khó chịu và những tiếng cười
khúc khích đuổi theo họ, làm cho họ khó ngẩng cao đầu. Họ quyết định tâu
lên vua, nhờ nhà vua can thiệp. Họ dâng sớ lên Louis XV, đúng vào ngày,
giờ mà sứ thần của Giáo Hoàng một bên và Đức Giáo Chủ De La Roche
Aymon một bên, đang quỳ gối một cách kính cẩn nâng hai chiếc hài xỏ vào
hai bàn chân trần của bà Dubarry vừa ngủ dậy. Nhà vua đang cười lại được
dịp cười thêm. Mặc hai vị Giám Mục, Hoàng Thượng quay về hai ngài biện
lý và cho phép hai ông thầy kiện ấy đổi tên hay sửa tên một chút. Ông
Corbeau được phép nhà vua thêm một cái đuôi vào chữ đầu tiên của ông và
trở thành ông Gorbeau. Ông Renard thì không được may mắn bằng vì chỉ