Và bây giờ thì hai mươi năm rồi, cái “bến” xe lửa đi Orléans đã đặt tại đây,
bên cạnh khu phố ngoại thành cũ và nhào gọt cho nó thay đổi. Ở rìa một thủ
đô, chỗ nào đặt một bến xe lửa thì ở đó khai tử một khu ngoại ô và khai sinh
một thành phố. Hình như xung quanh những trung tâm hoạt động của các
dân tộc, trong tiếng sấm rền của những cái máy cực kỳ mạnh ấy, trong hơi
thở của những con ngựa quái đản của văn minh ngốn than và phun lửa, lòng
đất đầy mầm sống rung động và mở ra để nuốt những chỗ ở cũ của con
người và làm hiện lên những chỗ ở mới. Những nhà cũ đổ xuống và những
nhà mới mọc lên.
Từ khi nhà ga Orléans lấn chiếm đất đai của khu Salpêtrière, những phố
cũ chật hẹp ở gần những phố Saint Victor và Vườn Bách Thảo, rung chuyển
mỗi ngày ba, bốn lần, vì những đoàn xe ngựa chở khách, xe ngựa con, xe
buýt chạy xuyên qua và trong một thời gian nhất định làm cho hai dãy nhà
bên trái bên phải lùi lại. Có nhiều sự việc nói ra thì lạ lùng nhưng lại rất
chính xác, cũng như có thể nói rất đúng, trong các thành phố lớn mặt trời
làm cho các mặt nhà quay về phía Nam như sống dậy và lớn lên, cũng rất có
thể nói rằng việc qua lại thường xuyên của xe cộ làm cho các đường phố
rộng ra. Những triệu chứng của một cuộc sống mới thật rõ rệt. Trong cái khu
phố tỉnh nhỏ có những ngõ ngách hoang vu nhất này, nền đường bắt đầu bày
ra, vỉa hè bắt đầu bò và kéo dài, ngay ở những chỗ chưa có ai qua lại. Một
buổi sáng, một buổi sáng đáng ghi nhớ vào tháng 7 năm 1845, bỗng nhiên
người ta thấy những cái nồi nấu nhựa đường bốc khói. Ngày hôm ấy người
ta có thể nói rằng văn minh đã đi đến phố Lourcine và Paris đã đi vào cửa ô
Saint Marceau.