ấy, họ là những người bạn tốt của tôi. Cứ ba mươi con dê họ chăn thì họ chỉ
có một. Họ tết những chiếc thừng bằng len đủ màu trông rất xinh, họ véo
von nhiều điệu dân ca miền núi với những ống sáo lỗ nhỏ xíu. Thỉnh thoảng
họ cũng cần nghe nói tới Chúa. Vậy mà một ông Giám Mục yếu bóng vía thì
họ sẽ cho là thế nào? Tôi mà không đi thì họ còn coi ra gì?
— Nhưng mà, thưa Đức Cha, có cướp! Sợ Đức Cha gặp cướp.
— À này - ông nói - tôi vừa nghĩ đến đấy. Ông nói có lý. Tôi có thể gặp
họ lắm. Họ nữa, họ nhất định cũng cần nghe nói tới Chúa.
— Thưa Đức Cha, nhưng mà chúng là một lũ cướp! Một bầy chó sói!
— Ông xã trưởng ạ, có lẽ chính vì bầy thú ấy mà Chúa Jésus Christ cho
tôi đi làm kẻ chăn. Ai biết đâu đường nẻo của Đấng Cứu Thế?
— Thưa Đức Cha, chúng sẽ cướp hết đồ đạc của Đức Cha.
— Tôi chẳng có gì.
— Chúng giết Đức Cha mất.
— Giết một ông cha cố vừa đi vừa niệm kinh? Chà chà! Để làm gì mới
được chứ?
— Lạy Chúa! Rủi Đức Cha gặp chúng thật!
— Tôi sẽ xin họ làm phúc cho kẻ khó của tôi.
— Đức Cha đừng đi, xin Đức Cha, nguy đến tính mệnh mất.
— Thưa ông xã trưởng, dứt khoát chỉ có thế thôi à! Tôi có mặt trên thế
gian này không phải để gìn giữ tính mệnh mình mà để chăn giữ các linh hồn.
Đành phải để mặc ông. Ông ra đi, chỉ có một em bé tình nguyện đi theo
dẫn đường. Cái việc ông khư khư đòi đi ấy đồn đại khắp xứ làm người ta vô
cùng hoảng sợ. Ông không muốn cho bà nào theo cả, bà em cũng không, bà
Magloire cũng không. Ông cưỡi con la đi suốt qua núi không gặp một ai và
đến với những người chăn dê “bạn tốt” của ông một cách bình an. Ông ở lại
với họ nửa tháng, giảng đạo, xức dầu thánh cho người hấp hối, dạy chữ, nói
chuyện đạo lý.
Hôm ông sắp từ biệt xứ này, ông quyết định tổ chức một buổi lễ Ngợi
Chúa với nghi thức Giám Mục chủ lễ. Ông ngỏ ý với cụ xứ. Nhưng làm thế
nào? Chẳng có đồ lễ của Tòa Giám. Chỉ có thể đem cho ông dùng một bộ đồ
lễ mà xứ nghèo nàn có với mấy chiếc áo choàng lụa đã sờn đính tua vàng
giả. “Không sao! - Ông nói - Cụ xứ ạ! Đến giờ giảng chúng ta cứ báo tin về