ngay ra trước nhà thờ, ngày xưa vẫn chằng chịt then sắt, khóa sắt như cửa
nhà tù. Ông Giám Mục sai tháo hết những then khóa sắt ấy đi. Từ đó, ngày
đêm chỉ cài bằng chiếc cựa gà. Ai qua đường bất cứ vào giờ nào, muốn vào,
cứ đẩy cửa ra là được. Lúc mới đến ở, hai người đàn bà cứ lo ngay ngáy về
cái cửa lúc nào cũng bỏ ngỏ ấy. Nhưng ông Giám Mục bảo: “Nếu các bà
thích vậy thì cứ đặt lấy then sắt vào cửa buồng của các bà”. Hai bà đành phải
tin tưởng như ông, hay ít ra cũng làm ra vẻ tin tưởng như ông. Duy có bà
Magloire đôi khi còn hốt hoảng. Về phần ông Giám Mục thì ý nghĩ của ông
đã diễn tả hay ít nhất cũng ghi rõ trong ba dòng chữ chính tay ông viết bên
rìa một trang Thánh Kinh: “Chỉ khác nhau tí này thôi; cửa nhà thầy thuốc thì
không bao giờ được đóng, còn ở cửa nhà tu hành thì bao giờ cũng phải để
ngỏ”. Trong một cuốn sách khác nhau đề là Triết Lý Y Học, ông có ghi: “Ta
chẳng phải là người thầy thuốc như họ sao? Ta cũng có những người khách
bệnh đấy chứ. Trước hết là khách của họ mà họ gọi là những người ốm đau;
sau nữa là khách riêng của ta mà ta gọi là “Những Người Khốn Khổ”. Ở chỗ
khác ông lại còn viết: “Đừng nên hỏi tên họ kẻ đến xin ngủ nhờ nhà ta, phần
nhiều kẻ lúng túng về cái tên của mình mới cần có chỗ trọ”.
Một hôm có một cha xứ đáng kính, không nhớ rõ là cha ở Couloubroux
hay cha ở Pompierry, chắc là do bà Magloire xui, đánh bạo hỏi ông Giám
Mục rằng để nhà cửa bỏ ngỏ cho ngày đêm ai muốn vào thì vào như thế,
Đức Cha có chắc là không phần nào bất cẩn không và Đức Cha không sợ nhà
cửa toang toàng như vậy có thể xảy ra sự không may sao? Ông Giám Mục để
tay lên vai của cha xứ rồi nghiêm trang và khoan từ mà nói: “Nhà mà Chúa
chẳng giữ cho mình, thì mình có muốn giữ kín bao nhiêu cũng hoài công”.
Xong ông nói sang chuyện khác.
Ông nói một cách khá thích thú: “Có sự dũng cảm của nhà tu hành cũng
như có sự dũng cảm của người chỉ huy kỵ binh”. Có điều, ông nói thêm, “sự
dũng cảm của ta phải lặng lẽ”.