Trước bàn, chiếc ghế bành độn rơm. Bên giường, một chiếc ghế cầu kinh
mượn của phòng nguyện. Hai bức chân dung đóng khung bầu dục treo trên
vách ở hai bên giường. Cứ theo dòng chữ vàng nhỏ chua trên nền vải bên
cạnh hình vẽ thì các bức chân dung này một là của Tu Viện Trưởng Chaliot,
Giám Mục ở Saint Claude, còn cái kia là của Tu Viện Trưởng Tourteau,
Giám Mục dự khuyết ở Agde, Viện Trưởng ở Grand Champ, dòng Cîteaux ở
địa phận Chartres. Ông Giám Mục tiếp thu buồng này của các bệnh nhân
Nhà Thương, đã thấy sẵn các bức chân dung ấy ở đây và cứ để nguyên chỗ
cũ. Họ là nhà tu hành, chắc cũng là những ân nhân đã tư trợ Nhà Thương,
vậy thì có hai lý do để ông giữ nguyên các bức chân dung ấy. Tất cả những
gì ông có thể biết về hai nhân vật ấy là họ đều do nhà vua cử về nhậm chức
vụ của mình vào cùng một ngày, ngày 27 tháng 4 năm 1785. Nhân bà
Magloire hạ các bức vẽ ấy để lau bụi, ông Giám Mục mới đọc được các chi
tiết đặc biệt ấy ghi bằng một thứ mực trắng tráng trên một vuông giấy con
lâu ngày đã ngả màu vàng, dán chặt bằng bốn mẩu xi sau lưng bức chân
dung của Viện Trưởng Grand Champ.
Ở cửa sổ, một bức màn xưa bằng len to sợi lâu năm đã thành quá cũ nát,
nhưng để đỡ phải thay tấm mới tốn tiền, bà Magloire buộc lòng phải khâu
mấy đường dài ngay chính giữa. Đường khâu lại hình chữ thập. Ông Giám
Mục hay chỉ mọi người xem. “Cái này hay quá!", ông nói. Từ dưới lên trên,
buồng nào cũng quét vôi trắng như kiểu Nhà Thương và trại lính. Tuy vậy,
những năm gần đây, bà Magloire lại tìm ra, dưới lớp giấy quét vôi, những
bức tranh sơn trang trí cho phòng cô Baptistine, - tìm ra như thế nào thì về
sau sẽ rõ. Nhà này vốn là câu lạc bộ của bọn tư sản trước khi thành Nhà
Thương, do đó mới có sự trang trí như vậy.
Các buồng lát gạch đỏ, tuần nào cũng cọ rửa. Trước các giường có những
thảm rơm bện. Nói chung, trong nhà thờ có hai tay người đàn bà nên chỗ nào
cũng sạch như chùi. Chỉ có mỗi lối xa hoa ấy là ông Giám Mục cho phép
thôi. Ông nói: “Như vậy không thiệt cho kẻ nghèo đồng nào”. Tuy nhiên
cũng biết là ông Giám Mục còn giữ được trong số của cải xưa một bộ đồ ăn
sáu người bằng bạc và chiếc môi xúp lớn. Hàng ngày bà Magloire sung
sướng ngắm bộ đồ bạc choáng lộn trên chiếc khăn bàn lớn bằng vải trắng. Ở
đây định tả ông hệt như ở ngoài, nên phải thêm rằng đã nhiều lần ông thú