tiếng to xưng thú tất cả các lầm lỗi, các tội đã phạm trong tuần. Các “mẹ tư
vấn” trao đối với nhau sau mỗi lời thú tội và cất tiếng tuyên bố những hình
phạt. Ngoài việc thú tội công khai rộng rãi như vậy dành cho các lỗi hơi
nặng, còn những lỗi nhẹ thì có hình thức khác gọi là làm coulpe. Làm coulpe
là quỳ áp bụng xuống đất suốt buổi lễ, trước mặt Mẹ Nhất, cho đến khi Mẹ
Nhất - mà bao giờ cũng phải gọi là “mẹ chúng tôi" - gõ một tiếng nhỏ vào
tay chiếc ghế ngồi của mẹ, báo cho kẻ thú tội biết là được đứng dậy. Một tí
gì cũng phải làm coulpe. Đánh vỡ một cái cốc, làm rách một khăn che mặt,
vô tình đến dự lễ chậm vài giây, hát sai một nốt ở nhà thờ… thế là đủ để làm
coulpe. Làm coulpe là việc tự nhiên tự phát, chính người phạm tội (dùng
theo nghĩa từ nguyên của chữ coulpe) tự xét xử mình và tự trừng phạt mình.
Những ngày lễ và ngày chủ nhật, có bốn mẹ hát nguyện trước một cái giá
sách bốn ngăn. Một hôm một mẹ xướng một bài tụng bắt đầu bằng chữ Ecce,
nhưng mẹ lại không nguyện Ecce mà lại hát to ba nốt nhạc ut, si, sol. Vì sự
lơ đãng ấy, mẹ phải làm coulpe suốt buổi lễ. Lỗi càng thêm nặng vì cả tu
viện đã cười ồ.
Khi một nữ tu sĩ được gọi lên phòng khách, dù là Mẹ Nhất, cũng phải
buông khăn che mặt để người ta chỉ trông thấy cái miệng thôi, như ta đã biết.
Chỉ có Mẹ Nhất được tiếp xúc, nói chuyện với người ngoài. Những bà khác
chỉ được gặp người thật thân cận trong gia đình mình và cũng rất ít khi thôi.
Nếu ngẫu nhiên một người ngoài đến xin gặp một nữ tu sĩ mà họ đã biết hay
yêu ngoài đời, thì phải qua cả một cuộc thương thuyết. Nếu là một phụ nữ thì
đôi khi còn được phép. Nữ tu sĩ ấy đi ra và người đến thăm chỉ được nói
chuyện qua khung cửa, cánh cửa chỉ mở cho mẹ hay chị thôi. Tất nhiên
không bao giờ người ta cho phép một người đàn ông vào.
Đó là kỷ luật của Thánh Benoît và Thánh Verga đã làm cho thêm nghiêm
ngặt.
Những nữ tu sĩ này không vui tươi, hồng hào như ở các dòng tu khác. Họ
xanh xao và nghiêm nghị. Từ 1825 đến 1830 có ba người đã hóa điên.