VIII
TRIẾT LÝ SAU BỮA ĂN
Ông Thượng Nghị Sĩ nói đến trên kia là một người thông minh, linh lợi.
Ông đã bước đi trên đường đời với một nguyên tắc cứng rắn là không thèm
để ý đến những trở lực có khi vấp phải mà người ta gọi là lương tâm, công
lý, bổn phận, lời thề danh dự. Ông đã đi thẳng đến đích, không một lần nào
chệch khỏi con đường thăng quan, tiến lộc. Ông ta nguyên là một biện lý,
say sưa với sự hanh thông, tính tình cũng không đến nỗi nào, được thì giúp
ích chút đỉnh cho con, cho rể, cho bà con, cả cho bạn bè nữa. Quả là ông đã
khéo chọn phía tốt của cuộc đời, các dịp may, các dịp hiếm có. Còn lại ông
coi như là ngu ngốc cả. Tính ông ta hóm, hiểu biết sách vở đủ để tin mình là
đồ đệ của Épicure, kỳ thật chỉ là một sản phẩm của Pigault Lebrun. Ông sẵn
sàng chế giễu một cách ý vị những cái gì vô biên, vĩnh viễn, những “chuyện
hão huyền của ông cụ già Giám Mục”. Có lúc, ông đem ra cười cợt với một
vẻ tin tưởng dễ thương, trước mặt chính ông Myriel để ông này nghe.
Trong một dịp lễ nửa công, nửa tư gì đó, Bá Tước… (ông Thượng Nghị
Sĩ) và ông Myriel phải dùng cơm ở nhà ông Tỉnh Trưởng. Đến lúc tráng
miệng, ông Thượng Nghị Sĩ vui miệng, mặc dù vẫn giữ đúng tư thế, nói to:
— Hay quá, ông Giám Mục à, ta nói chuyện đi. Thượng Nghị Sĩ và Giám
Mục nhìn nhau khó mà không chớp mắt. Ông với tôi như hai thầy bói. Tôi có
một điều muốn thú thật với ông. Tôi có triết lý riêng của tôi.
— Ông nói đúng - ông Giám Mục đáp lại. - Người ta vừa nằm vừa triết
lý. Ông đang nằm trên đệm tía đó, thưa ông Thượng Nghị Sĩ.
Được khuyến khích, ông Thượng Nghị Sĩ tiếp:
— Xin nói chuyện thật tình.
— Thật bụng nữa - ông Giám Mục nói.
— Tôi xin nói với ông - ông Thượng Nghị Sĩ nói lại - rằng Hầu Tước
Argens, Pyrrhon, Hobbes và Naigeon không phải là những thứ tầm phơ.
Trong tủ sách nhà tôi có đủ các triết gia tôi thích, đều gáy mạ vàng cả.
— Cũng như ông vậy, ông Bá Tước ạ - ông Giám Mục ngắt lời.
Ông Thượng Nghị Sĩ nói tiếp: