II
NHÀ TU, SỰ KIỆN LỊCH SỬ
Đứng về phương diện lịch sử, phương diện lý trí và chân lý, chế độ nhà tu
đều bị kết án.
Các nhà tu, khi quá đông trong một nước, là những cái nút làm nghẽn
giao thông, những tổ chức kềnh càng vướng vít, những trung tâm lười biếng
ở những chỗ phải có những cơ sở lao động. Những nhà tu đối với tập thể
rộng lớn của xã hội cũng như tầm gửi mọc trên cây sồi, như cái mụn cóc
mọc trên thân người. Nó mà phát triển, phình ra, thì xã hội nghèo khổ đi.
Chế độ nhà tu, tốt trong thời kỳ phát triển đầu tiên của các nền văn minh, cần
thiết để làm giảm bớt bằng tinh thần cái phần tàn bạo, man rợ, trở thành có
hại cho các dân tộc đang thời tráng kiện. Và đến lúc nó đã lỏng lẻo và đi vào
thời kỳ rời rã, vô kỷ luật, mà vẫn được coi là những tấm gương, thì nó trở
thành xấu xa vì tất cả những lý do đã khiến nó có lợi ích trong thời kỳ trong
sáng của nó.
Cái tục tu kín đã hết thời. Các nhà tu kín, có ích trong giai đoạn sơ khai
của công việc giáo dục trong nền văn minh hiện đại, đã trở thành trở ngại
cho sự lớn mạnh và có hại cho sự phát triển của văn minh. Đứng về mặt tổ
chức xã hội và phương thức đào tạo con người, những nhà tu có bổ ích hồi
thế kỷ thứ X, đã trở thành phải ngờ vực ở thế kỷ XV và đến thế kỷ XIX thì
đáng ghét. Cái bệnh phong nhà tu ấy đã gặm gần đến tận xương tủy hai quốc
gia rực rỡ: Nước Ý và nước Tây Ban Nha, một nước có ánh sáng, một nước
là vinh quang chói lọi của cả Châu Âu trong nhiều thế kỷ. Thế mà ngày nay
hai quốc gia nổi tiếng này mới bắt đầu phục hồi nhờ cái chế độ điều dưỡng
tốt lành và mạnh mẽ của 1789 (Cách Mạng Pháp 1789).
Đặc biệt nhà tu Tây Ban Nha thì thật thê thảm. Trong bóng tối, dưới
những vòm đầy sương mù, những mái tròn đầy bóng đen, sừng sững những
bàn thờ đồ sộ như tháp Babéliques, cao như những nhà thờ; trong nhà tu ấy
có những dây xích lủng lẳng trong bóng tối với những thập tự giá trắng
khổng lồ; trong nhà tu ấy những tượng Jésus Christ lớn, bằng ngà voi, trần
truồng nằm trên gỗ mun đen; không chỉ rớm máu mà đầm đìa máu; vừa ghê