lùng, là bưng bít, thủ tiêu tất cả những phát hiện của lịch sử, phủ nhận những
điều bình luận của triết học, lẩn tránh tất cả những sự việc làm cho họ lúng
túng và tất cả những chuyện đen tối. Một số người tinh ranh bảo: “Chỉ để
khoa trương”. Một số thằng khờ lặp lại: “Khoa trương”. Jean Jacques: Khoa
trương. Diderot: Khoa trương. Voltaire nói về Calas, La Barre và Sirven:
Khoa trương. Tôi không biết gần đây ai đã chứng minh rằng Tacite là một kẻ
khoa trương, rằng bạo chúa Néron là một nạn nhân và nhất là bảo phải rỏ
nước mắt xót xa cho số phận “của gã Holopherne đáng thương”.
Những sự việc không phải dễ đảo ngược, sự việc cứ kiên trì tự báo.
Người viết quyển sách này, chính mắt đã trông thấy cách Bruxelles tám dặm,
nơi đó là dấu vết của thời kỳ Trung Cổ mà ai cũng có thể mó tay được; ở nhà
tu Villers, những cái hố “bỏ quên” giữa cánh đồng cỏ, trước đây là sân nhà
tu và ở bên bờ sông Dyle, bốn cái hầm đá, nửa ngầm sâu dưới đất nửa mặt
nước. Đó là những in pace. Mỗi cái hầm ấy còn một mảnh cửa sắt, một hố xí
và một cái cửa sổ có gióng sắt, bên ngoài cao hơn mặt nước sáu tấc, bên
trong cao hơn mặt đất hai mét. Gần mét rưỡi nước chảy bên ngoài tường. Đất
lúc nào cũng ẩm ướt. Người ở trong cái in pace nằm ngay trên mặt đất ẩm
ấy. Trong một cái hầm có một khúc gông gắn vào tường, trong một cái hầm
khác có một thứ hộp vuông làm bằng bốn tấm đá, ngắn không đủ để nằm,
thấp không đủ để đứng. Người ta bỏ vào đó một con người và đậy lên một
nắp đá. Tất cả cái đó có thực, sờ sờ trước mắt, dưới tay. Có thực, những cái
in pace ấy, những cái hầm ấy, những cái bản lề sắt, những chiếc cùm, những
cái cửa sổ cao, nước sông chảy bên cạnh ngang tầm, cái hòm đá với nắp đá
đóng kín như một cái mồ, chỉ khác ở chỗ xác ma ở đây là người sống. Cái
đất bùn ấy, cái hố tiêu ấy, những bức tường rỉ nước ấy “khoa trương làm
sao!”