lại cho những cần rẩy nước thánh và những thanh gươm, khôi phục chế độ
nhà tu kín và chế độ quân phiệt, tin tưởng rằng càng nhiều kẻ ăn bám thì xã
hội loài người sẽ được cứu vớt, đặt cái ách của quá khứ lên cổ hiện tại, thật
là kỳ lạ. Thế mà cũng có những lý thuyết gia bảo vệ những lý thuyết ấy. Họ
cũng là những người thông thái, trí tuệ lớn, họ sử dụng một biện pháp rất
đơn giản: Họ quét lên quá khứ một nước sơn mà họ gọi là trật tự xã hội,
quyền của Chúa, đạo lý, gia đình, tôn kính tổ tiên, uy quyền xưa, truyền
thống thiêng liêng, tôn giáo và họ bô bô lên khắp nơi: Hãy coi đây, hỡi
những người lương thiện, những người hiểu biết, hãy dùng cái này. Cái kiểu
lý luận ấy đã cũ rích. Những thầy cúng La Mã vẫn dùng, họ quét vôi lên
mình một con bò cái đen và tuyên bố: Đây con bò cái trắng! «Bos cretatus».
Về phần chúng tôi, đôi khi ở nơi này, ở nơi khác, chúng tôi tôn trọng quá
khứ và bất cứ ở đâu chúng tôi cũng giữ kín không động chạm đến quá khứ,
chỉ cần là quá khứ đã chết thì cứ nằm yên. Nếu nó cứ muốn sống lại thì
chúng tôi đả phá nó và chúng tôi cố gắng giết chết nó. Dị đoan, mê tín, nước
đôi, giả đạo đức, thành kiến, những con trùng ấy mặc dù là trùng, vẫn cố
bám lấy cuộc sống, những cái hình dáng hơi khói ấy có cả nanh và cả vuốt.
Phải vật lộn với chúng, tuyên chiến với chúng và đánh chúng không ngừng,
vì đây là một cái tai họa oan nghiệt của nhân loại: Là mãi mãi phải đánh với
những bóng ma. Bóng ma thì khó mà tóm được cổ, khó mà quật ngã.
Một nhà tu kín ở nước Pháp, giữa cái giờ chính ngọ của thế kỷ 19, đó là
một đàn cú đối đầu với ánh sáng ban ngày. Một nhà tu kín, một tội phạm quả
tang về khổ hạnh giữa cái xã hội của 89 của 1830 và 1848.
giữa Paris, quả là một điều lầm lẫn về thời đại. Bình thường, để làm tan một
lầm lẫn về thời đại, chỉ cần bảo nhắc lại cái số nghìn trong niên đại thôi.
Nhưng chúng ta không sống trong thời bình thường.
Hãy chiến đấu! Chiến đấu nhưng có phân biệt. Bản chất của chân lý là
không bao giờ cực đoan. Chân lý có cần gì phải cường điệu. Có cái phải tiêu
diệt, có cái chỉ cần soi sáng và nhìn vào. Nhìn nghiêm chỉnh và độ lượng, có
sức mạnh nào bằng! Không phải đem lửa đến nơi chỉ cần có ánh sáng soi rọi.
Vậy nên, vì sống ở thế kỷ 19, nói chung, chúng tôi phản đối chế độ tu kín
khổ hạnh bất cứ ở một dân tộc nào, bất cứ ở Châu Á, ở Châu Âu, ở Ấn Độ
hay ở nước Thổ Nhĩ Kỳ. Nói nhà tu nghĩa là nói ao đầm lầy lội. Uế khí ở đây