III
TÔN TRỌNG QUÁ KHỨ VỚI ĐIỀU KIỆN NÀO?
Nhà tu, như trước kia ở Tây Ban Nha và bây giờ ở Tây Tạng, đối với văn
minh là một thứ bệnh lao. Nó chặn đứng mạch sống. Nó làm cho dân số sụt
hẳn đi, làm vãn người đi. Vào nhà tu kín cũng như bị hoạn. Nhà tu kín đã là
một tai họa ở Châu Âu. Phải thêm vào đó tất cả những áp bức kiềm chế
lương tri, những vụ khấn nguyện miễn cưỡng, chế độ phong kiến dựa vào
chế độ nhà tu kín, chế độ trưởng nam dốc vào nhà tu kín cái số con thừa
trong gia đình, những cảnh tàn bạo ta vừa nói đến, các cái in pace, những cái
miệng gắn xi, những bộ óc bưng kín, bao nhiêu trí tuệ thông minh xấu số bị
giam giữ trong lời khấn nguyện vĩnh viễn, cái trò “mặc áo dòng” chôn sống
những linh hồn đang sống. Cộng những nhục hình cá nhân vào những suy
đồi dân tộc, thì bất cứ bạn là người thế nào, bạn sẽ phải rùng mình ghê tởm
trước cái áo thầy tu và cái màn che mặt, hai tấm vải liệm do con người sáng
chế ra.
Thế mà ở một vài điểm, ở một vài nơi, bất chấp triết học, bất chấp sự tiến
bộ, cái tinh thần nhà tu kín vẫn tồn tại dằng dai, giữa thế kỷ XIX và một sự
tái khởi kỳ quặc của khuynh hướng khổ hạnh đang làm cho chế độ cổ hủ cứ
muốn tồn tại mãi mãi giống như lọ nước hoa đã trở mùi vẫn đòi được thoa
vào mái tóc, con cá ươn vẫn muốn được người ăn, chiếc áo trẻ con vẫn đòi
mặc vào cho người lớn và sự âu yếm của những xác chết muốn trở về ôm
hôn người sống. Chiếc áo cũ bảo: Đồ vô ơn, ta đã che chở cho người trong
những ngày gió mưa, lạnh rét, sao bây giờ người không thèm nhờ ta nữa?
Con cá bảo: Ta từ biển khơi về đây. Mùi hương bảo: Xưa ta là hoa hồng.
Xác chết bảo: Ta đã yêu dấu các người. Tu viện nói: “Ta đã làm cho các
người văn minh hơn”. Chỉ có một câu trả lời cho tất cả những câu nói ấy:
“Vâng, xưa kia!”
Mơ ước sự tồn tại vô tận của những cái đã chết và quyền thống trị của
những xác ướp, khôi phục lại những nguyên lý đã tàn tạ, thếp vàng lại những
cái khung đã nhạt, tô đắp lại những nhà tu kín, ban phúc lại những hộp thánh
vật, trang hoàng lại cho những tà giáo, tiếp sức cho những cuồng tín, tra cán