coi việc người chết đến đây để chứng kiến. Đấy, lễ nghi cái chết phải như
thế. Các bà ở đây nào có ưa gì cái việc khám xét ấy. Là y sĩ thì chẳng tin gì
cả. Họ lật tấm vải phủ diện lên; có khi lật cả cái khác. Lần này, sao các bà ấy
cho đi báo sớm thế. Chắc có việc gì. Cháu bé vẫn ngủ. Cháu tên là gì nhỉ?
— Cosette.
— Con bác à? Trông thì ai cũng bảo cháu gọi bằng ông, có phải không
bác?
— Phải.
— Cho cháu ra khỏi đây cũng dễ. Tôi ra vào có cái cửa riêng ăn liền với
sân trước. Cứ gõ cửa là bác gác mở. Tôi vẫn đeo cái giỏ đằng sau lưng: Nhét
cháu vào giỏ là xong. Thế là cứ việc đi ra. Ai chả bảo là lão già Fauchelevent
đeo giỏ ra phố. Bác nhớ dặn cháu đừng có cựa quậy. Tôi đậy tấm vải bạt lên
trên. Đến nhà bà bạn bán hoa quả ở phố Chemin Vert, tôi sẽ gửi cháu ở đấy.
Bà ấy điếc, nhà có một chiếc giường nhỏ. Tôi sẽ chõ vào tai bà mà thét nó là
cháu gái tôi, nhờ bà trông hộ một hôm. Thế rồi bác sẽ lại đem cháu vào đây.
Tôi sẽ tìm hết cách đưa bác vào. Nhưng bác có cách nào ra khỏi đây được
không?
Jean Valjean lắc đầu:
— Làm sao cho đừng một ai trông thấy tôi, có thế thôi. Bác thử xem có
cách nào đưa tôi ra như đưa Cosette được không. Cũng nằm trong giỏ đậy
bạt.
Fauchelevent lấy ngón tay giữa gãi gãi dưới tai, tỏ vẻ vô cùng bối rối.
Một hồi chuông thứ ba làm câu chuyện đứt quãng.
— Đấy, ông y sĩ đi rồi đấy. Ông ấy xem xong, nói: “Bà ấy chết rồi,
được”. Khi ông y sĩ đã chuẩn bị tờ giấy thông hành lên thiên đường thì bọn
tang lễ mang áo quan đến. Nếu là một mẹ thì các mẹ liệm; nếu là một bà
phước thì các bà phước liệm. Xong đâu đó đến lượt tôi đóng áo quan. Ấy,
cũng là một phần việc làm vườn. Kẻ làm vườn cũng ít nhiều là người đào
huyệt. Quan tài thì đặt trong một cái buồng thấp ngoài nhà thờ, trông ra phố.
Trừ ông y sĩ, không một người đàn ông nào được bén mảng tới. Không kể tôi
và những phu đòn, chúng tôi không được coi là đàn ông. Tôi đóng quan tài ở
đấy. Phu đòn đến khiêng ra, thế là xe tang quất ngựa! Đấy, đường lên trời chỉ
có thế. Lúc mang đến thì hòm không, lúc mang đi thì hòm có. Đám ma là