tu, là có một bà nữ tu sĩ ốm nặng. Thế là người ta ít nhòm ngó phía đằng này.
Hình như bà ta sắp chết. Phải cầu kinh bốn mươi tiếng đồng hồ. Họ bận cả.
Cái bà sắp đi là một bậc thánh. Thực ra ở đây chúng tôi là thánh hết! Chỉ có
khác một điều là các bà ấy thì nói: Cái buồng của chúng tôi, còn tôi nói: Túp
lều của tôi. Người ta sắp cầu nguyện cho người hấp hối, rồi cầu nguyện cho
người chết. Thế là hôm nay ta có thể yên ổn được; nhưng mai thì không thể
nói trước được.
— Thế nhưng cái nhà này ở một góc tường, trước mặt lại có cái đống
gạch đổ nát, cây cối um tùm, trên nhà tu nhìn xuống làm sao được?
— Lại thêm các bà nữ tu sĩ không bao giờ đến gần đây.
— Thế thì?
Cái chấm hỏi đặt sau hai tiếng “thế thì” của Jean Valjean có nghĩa: Tôi
tưởng như thế thì còn sợ gì nữa? Fauchelevent trả lời đúng chỗ hỏi:
— Có lũ trẻ con.
— Lũ trẻ con nào?
Fauchelevent vừa há mồm định giải thích thì chuông nhà tu buông một
tiếng. Ông nói:
— Bà ấy chết rồi. Tiếng chuông báo tử vừa đánh đấy.
Ông già ra hiệu cho Jean Valjean chú ý nghe. Chuông đánh tiếng thứ hai:
— Bác Madeleine, tiếng chuông báo chết lần thứ hai. Trong suốt hai
mươi bốn tiếng đồng hồ, cứ cách một phút, chuông lại đánh một tiếng, cho
đến khi đưa xác ra khỏi nhà thờ. Bác nghĩ xem, đến giờ chơi, bọn chúng nô
đùa ghê lắm. Chỉ cần một quả bóng lăn lại đây là bọn chúng xông vào tìm
nhộn cả lên. Bọn thiên thần ấy nghịch như quỷ.
Jean Valjean hỏi:
— Bọn nào thế bác?
— Bọn trẻ con. Đây, rồi chẳng mấy chốc, bác bị lộ ngay. Bọn chúng sẽ
kêu lên: “A, có một người đàn ông!” Nhưng hôm nay không có giờ chơi.
Cầu kinh cả ngày. Bác nghe chuông mà xem, cứ mỗi phút một tiếng. Tiếng
chuông báo tử.
— Tôi hiểu rồi bác Fauchelevent ạ, ở đây có trẻ ở ký túc.
Và Jean Valjean nghĩ bụng: “Thật tiện cho Cosette ăn học".
Fauchelevent kêu lên: