II
MỘT CÁI BÓNG MA ĐỎ HỒI ẤY
Hồi ấy nếu ai qua cái thị trấn Vernon nhỏ bé và đi dạo chơi trên chiếc cầu
đồ sộ - mà có lẽ chẳng bao lâu nữa người ta sẽ thay thế bằng một cái cầu dây
sắt ghê tởm - đứng trên cầu nhìn xuống, sẽ thấy một người đàn ông cả ngày
đi đi lại lại trong một khoảnh đất bốn phía bọc tường trên tả ngạn sông
Seine; dọc theo bờ sông là cả một dãy những khoảnh đất như vậy đầy hoa
tươi, nếu to hơn nhiều thì gọi là vườn hoa, nhỏ hơn chút ít thì bảo là chùm
hoa. Tất cả những khoảnh đất ấy một đầu thì sát mặt sông, một đầu thì giáp
một gian nhà ở. Người đàn ông trạc năm mươi tuổi, đội một chiếc casquette
da, mặc một cái quần và một cái áo dạ thô màu xám, có dính một mảnh băng
trước kia màu đỏ, chân đi guốc, da sạm nắng, mặt gần như đen, tóc hầu bạc,
một cái sẹo rộng từ trán kéo xuống tận má, lưng khom khom còng như một
người già trước tuổi, tay cầm một cái mai hay một cái kéo xén cây. Năm
1817 người đó ở cái khoảnh đất hẹp nhất và cái nhà tiều tụy nhất trong khu
này. Người ấy ở một mình, cô đơn, thầm lặng và nghèo khổ, chỉ có một mụ
giúp việc, không già không trẻ, không xấu, không đẹp, không ra vẻ nông
dân, không ra dáng thị thành. Cái vườn con của người đàn ông ấy nổi tiếng
trong thị trấn về hoa đẹp. Chăm bón vun trồng hoa là công việc duy nhất của
ông ta.
Cần cù, kiên nhẫn, chăm chú cả ngày vun tưới, ông ta đã tạo nên những
giống hoa tulipes, hoa thược dược mà tạo hóa hình như chưa nghĩ ra. Ông ta
rất tài giỏi, ông đã đi trước nhà bác học Soulange Bodin, nghĩ ra cách vun
những mô đất mùn để trồng những giống cây quý và hiếm của Châu Mỹ và
Trung Quốc. Từ sáng tinh mơ, ông ta đã ở ngoài vườn châm, tưới, cắt xén, đi
lại giữa những bóng hoa, vẻ trìu mến, hiền dịu và buồn buồn, có khi mơ
mộng, yên lặng hàng giờ lắng nghe tiếng chim hót trên một cành cây, hay
nghe tiếng một em nhỏ líu lo trong một căn nhà, hay đăm đăm nhìn trên đầu
ngọn cỏ một hạt sương long lanh dưới ánh mặt trời như một nụ hoa tai. Ông
ta ăn uống thanh đạm, dùng sữa nhiều hơn uống rượu. Ông ta nhường nhịn
cả những đứa bé, người ở của ông có khi gắt với ông. Tính ông rụt rè đến nỗi