— Mang trả những thứ giẻ này đi.
Một không khí yên lặng nặng nề kéo dài suốt một tiếng đồng hồ. Ông lão
già và cô gái đều ngồi xuống, xây lưng vào nhau, mỗi người theo đuổi ý nghĩ
của mình, nhưng nó có lẽ cùng một tâm tư. Cuối cùng cô Gillenormand nói:
— Đẹp chưa?
Mấy phút sau Marius vào. Anh vừa tắm về. Chưa bước qua bậc cửa
buồng anh đã thấy ông anh cầm một cái danh thiếp của anh; thấy anh, lão
Gillenormand cười gằn mà nói với cái dáng trịch thượng của người tư sản
thường trấn áp được người ta:
— Hừ, hừ, hừ, hừ! Cậu cả bây giờ là Nam Tước rồi. Tôi chúc mừng cậu
nhé. Thế là nghĩa gì?
Marius hơi đỏ mặt:
— Thế nghĩa là tôi là con cha tôi.
Lão Gillenormand không cười nữa, quát lên:
— Cha mày là tao!
Marius nói tiếp ý anh, mắt nhìn xuống, vẻ nghiêm nghị:
— Cha tôi là một người tầm thường nhưng anh dũng đã phụng sự một
cách vinh quang chế độ Cộng Hòa và nước Pháp, là một nhân vật lớn lao
trong cái lịch sử lớn lao nhất mà loài người đã làm nên, đã sống một phần tư
thế kỷ trên chiến trường, ban ngày dưới làn mưa đạn, ban đêm trên bãi tuyết,
trong vũng bùn, dưới trời mưa, đã giật hai lá cờ của địch, đã nhận hai mươi
vết thương, đã chết trong lãng quên, trong ruồng bỏ và chỉ có một khuyết
điểm là đã quá yêu hai kẻ vong ân: Tổ Quốc và tôi.
Thật quá sức chịu đựng của lão Gillenormand. Khi nghe chữ “chế độ
Cộng Hòa", lão đã đứng dậy, nói vùng lên thì đúng hơn. Mỗi lời nói của
Marius quất vào mặt lão như những luồng gió trong ống bễ lò rèn thổi vào
đống than hồng. Mặt lão lúc đầu sầm tối, sau đỏ hồng rồi đỏ như gấc, rồi đỏ
rực lên.
Lão gào thét:
— Marius! Thằng trời đánh. Tao không biết cha mày là ai, tao không
muốn biết, tao không thèm biết, tao chỉ biết là cả cái bọn ấy đều là đồ khốn
nạn, đồ khố dây, đồ sát nhân, đồ mũ đỏ, đồ ăn cắp. Tất cả, tất cả, tao chả
thèm biết riêng đứa nào, tất cả, nghe chưa, Marius! Mày biết không! Cái