chỉ cho cô nàng trông thấy ngay cái vực chia cách và dạy cho cô nàng chớ
lầm tiên đồng lẳng lơ của Beaumarchais với tiên đồng ghê gớm của
Ézéchiel.
Bên cạnh Enjolras, đại diện cho logique của Cách Mạng, Combeferre là
triết lý của Cách Mạng. Giữa logique của Cách Mạng và triết lý của Cách
Mạng có cái điều khác nhau là cái logique kia có thể kết thúc bằng chiến
tranh, còn triết lý của Cách Mạng thì ngược lại chỉ có thể dẫn tới hòa bình.
Combeferre bổ sung và điều chỉnh Enjolras. Combeferre không cao bằng
Enjolras nhưng rộng hơn. Anh muốn người ta bồi dưỡng cho trí tuệ những
nguyên lý rộng rãi của những ý niệm khái quát. Anh nói: “Cách Mạng nhưng
mà văn minh"; và xung quanh cái đỉnh cao chót vót, anh mở ra chân trời
xanh rộng. Do đó mà những quan điểm của Combeferre người ta có thể dễ
dàng đi tới được và thực hiện được. Cách Mạng với Combeferre dễ thở hơn
là với Enjolras. Enjolras biểu đạt cái quyền thiên phú của Cách Mạng, còn
Combeferre cái quyền tự nhiên, người thứ nhất gần với Robespierre, người
thứ hai sát với Combeferre. Hơn Enjolras, Combeferre sống cuộc đời của tất
cả mọi người. Nếu hai người thanh niên ấy lưu danh lại được cho lịch sử,
một người sẽ là chính nhân, một người sẽ là hiền nhân. Enjolras kiên cường
hơn, Combeferre nhân từ hơn. Homo và Vir,
đúng là hai chỗ khác nhau
của hai người ấy. Cũng như Enjolras nghiêm nghị, Combeferre hiền dịu một
cách tự nhiên theo thiên tính của mình. Anh ưa cái từ “công dân”, nhưng anh
thích từ “con người” hơn. Anh sẵn sàng nói “Hombre” như người Tây Ban
Nha. Anh đọc tất cả mọi thứ sách, đi xem hát, đi nghe những lớp giảng công
cộng, học lý thuyết phân cực ánh sáng của Arago, say mê nghe bài giảng của
Geoffroy Saint Hilaire giải thích hai chức năng của động mạch cổ ngoài và
động mạch cổ trong: Một làm ra cái mặt và một làm ra bộ óc. Anh theo dõi
thời sự khoa học từng bước, đối chiếu Saint Simon với Fourier, tìm đọc loại
chữ tượng hình Ai Cập cổ đại, đập vỡ những hòn cuội nhặt được và bàn về
địa chất học, vẽ theo ký ức một con ngài, vạch ra những sai lầm về tiếng
Pháp trong Từ Điển của Viện Hàn Lâm, nghiên cứu Puységur và Deleuze,
không khẳng định cái gì, kể cả những phép mầu của thánh, không phủ nhận
cái gì kể cả chuyện ma, giở đọc tập báo Le Moniteur, suy nghĩ. Anh tuyên bố
rằng tương lai ở trong tay người thầy giáo và chú ý đến những vấn đề giáo