dục. Anh muốn rằng xã hội luôn luôn nâng cao trình độ trí thức và đạo đức,
lưu hành khoa học như tiền tệ, làm tư tưởng được lưu thông, làm trí tuệ của
thanh niên lớn lên, anh sợ rằng sự nghèo nàn hiện tại của các phương pháp,
sự cùng quẫn của quan điểm văn học thu hẹp trong hai ba thế kỷ cổ điển, cái
giáo điều tàn bạo của những kẻ sính chữ gắn nhãn hiệu Nhà Nước, những
thiên kiến kinh niên và những nếp bảo thủ, cuối cùng sẽ biến trường học
thành những bể nuôi trai sò nhân tạo. Anh uyên bác, trong sáng, chính xác,
bách khoa, cần cù và đồng thời mơ mộng đến mức “ảo tưởng viễn vông” như
các bạn anh vẫn nói. Anh tin tưởng vào tất cả những mơ mộng ấy: Đường
sắt, mổ không đau, in hình trong buồng tối, dùng điện truyền tin, điều khiển
khinh khí cầu. Mặt khác anh không sợ những thành lũy chống lại loài người
dựng lên khắp nơi bởi mê tín, bởi chuyên chế và thành kiến. Anh thuộc số
những người tin rằng khoa học cuối cùng sẽ đi bọc qua những thành lũy ấy.
Enjolras là một chỉ huy, Combeferre là một người hướng đạo. Người ta
muốn là chiến hữu của người này và là bạn đồng hành của người kia. Không
phải Combeferre không có khả năng chiến đấu; anh không từ chối vật lộn
với chướng ngại, đấu tranh với nó mãnh liệt và sôi nổi; nhưng dần dần đem
giáo dục những chân lý cơ bản và ban hành những luật pháp thực tế, làm cho
loài người hòa hợp với số phận của họ, thì Combeferre ưa thích hơn. Nếu
phải chọn giữa hai thứ ánh sáng, thì chiều hướng của anh là chiếu rọi hơn là
đốt cháy. Một đám cháy có thể tạo ra một bình minh, đã đành rồi, nhưng tại
sao không đợi mặt trời mọc. Một ngọn núi lửa chiếu sáng, nhưng bình minh
chiếu sáng tốt hơn. Combeferre có lẽ ưa cái màu trắng của cái đẹp hơn là cái
rực sáng của Cao Cả. Một thứ ánh sáng có khói mù làm vẩn đục, một sự tiến
bộ mua bằng bạo lực, chỉ thỏa mãn một nửa cái trí tuệ đa cảm và nghiêm túc
ấy; một dân tộc từ trên cao đâm đầu vào chân lý, một 93, làm anh hoảng sợ.
Tuy vậy tù hãm, động, trệ làm cho anh ghê tởm hơn, anh ngửi thấy mùi thối
rữa chết chóc. Dẫu sao anh cho bọt sủi vẫn hơn là hơi thối, anh thích suối đổ
hơn là ao tù và thích thác Niagara hơn là đầm Montfaucon. Nói tóm lại anh
không muốn ngừng chân mà cũng không muốn bước vội. Trong khi những
người bạn sôi nổi của anh say mê cái tuyệt đối một cách hiệp sĩ, tôn thờ và
kêu gọi những cuộc phiêu lưu Cách Mạng huy hoàng thì Combeferre có xu
hướng để cho tiến hóa làm việc, cái tiến hóa thực thà, có lẽ lạnh lùng nhưng