— Tại sao?
— Tôi có một người bạn, chủ hiệu sách, muốn làm một thứ bách khoa từ
điển, nếu biết tiếng Đức, tiếng Anh, anh có thể dịch cho hắn những mục
tiếng Đức hay tiếng Anh. Cũng chẳng được mấy, nhưng đủ sống.
— Tôi sẽ học tiếng Anh và tiếng Đức.
— Còn trong khi chờ đợi?
— Chờ đợi thì tôi gặm dần bộ quần áo và chiếc đồng hồ.
Người buôn quần áo đến, mua bộ quần áo hai mươi francs. Mang cái
đồng hồ đến người chữa đồng hồ, hắn mua bốn mươi nhăm francs.
Marius khi trở về khách sạn, bảo Courfeyrac:
— Cũng khá đấy, với mười lăm francs của tôi nữa thế là tám mươi francs.
— Thế còn món nợ khách sạn? - Courfeyrac nhắc.
— Chết, mình quên bẵng đi mất.
— Khốn! Anh ăn hết năm francs thì học xong tiếng Anh, năm francs thì
học xong tiếng Đức. Như thế hoặc là anh có tài ngốn một ngoại ngữ nhanh
quá hoặc một đồng trăm xu chậm quá.
Bà Gillenormand vốn là một con người khá tốt trong những hoàn cảnh
đau buồn. Bà đã lần mò tìm ra chỗ ở của Marius. Một buổi sáng, Marius ở
lớp về thấy bức thư của bà dì và món tiền sáu chục đồng pistoles, nghĩa là
sáu trăm francs tiền vàng trong một cái hộp gắn xi. Marius gửi trả lại bà dì số
tiền ấy kèm một bức thư kính cẩn, báo với dì anh là anh đã có kế sinh sống
và kiếm đủ chi dùng. Lúc ấy anh còn đúng ba francs.
Bà dì không nói gì với ông lão Gillenormand, sợ ông lão càng thêm bực
dọc. Ông lão đã chẳng bảo rằng đừng có ai nhắc đến cái thằng khát máu ấy
hay sao?
Marius không muốn mang nợ, rời bỏ khách sạn Porte Saint Jacques.