hàng bánh mua một chiếc bánh mì, lén lét mang về cái gác xép như một
thằng ăn cắp. Đôi khi ta thấy một anh thanh niên vụng về, rụt rè, bực tức cắp
mấy quyển sách lách vào cửa hàng thịt ở góc phố, giữa đám chị bếp giễu cợt
chen lấn; anh bước vào cửa hàng, nhấc mũ để lộ cái trán đẫm mồ hôi, kính
cẩn chào các chị hàng thịt ngơ ngác, chào anh pha thịt, hỏi mua một miếng
sườn cừu sáu bảy xu, lấy giấy bọc và cắp vào nách giữa hai quyển sách rồi
bước ra. Chính anh thanh niên ấy là Marius.
Anh mang miếng sườn cừu ấy về tự nấu và ăn được ba ngày: Ngày đầu ăn
thịt, ngày thứ hai ăn mỡ, ngày thứ ba gặm xương. Bà dì Gillenormand mấy
bận mò gửi đến cho anh món tiền sáu chục đồng pistoles, lần nào anh cũng
gửi trả lại và bảo rằng anh không thiếu gì. Anh hãy còn để tang cha anh khi
sự chuyển biến Cách Mạng mà chúng ta vừa kể xảy ra trong tư tưởng anh.
Từ lúc ấy anh không rời bộ quần áo đen. Nhưng quần áo lại bỏ anh mà đi.
Đến lúc, anh không có áo ngoài. Cái quần còn mặc tạm được. Làm thế nào?
Có lần anh cũng giúp được Courfeyrac đôi việc. Courfeyrac cho anh một cái
áo ngoài cũ. Marius nhờ người gác cổng lộn lại, mất ba mươi xu, thế là được
một cái áo mới. Nhưng áo lại màu xanh, từ đấy Marius đợi trời tối mới ra
phố cho áo thành ra đen. Muốn để tang mãi, anh dùng đêm tối làm màu tang.
Trong lúc ấy, anh được nhận làm luật sư. Anh lấy địa chỉ ở phòng
Courfeyrac cho ra vẻ. Courfeyrac có một cái tủ sách đựng một số sách luật;
tủ sách có vẻ đầy đủ vì được bổ sung với một số cuốn tiểu thuyết đã nát. Quy
chế của nghề luật sư bắt buộc phải có một tủ sách. Thư từ của anh đều gửi
đến chỗ Courfeyrac.
Khi anh làm luật sư, anh gửi một bức thư lạnh lùng nhưng kính cẩn cho
ông. Lão Gillenormand tay run run cầm thư mở đọc rồi xé làm tư, vứt vào
sọt. Hai ba hôm sau bà dì Gillenormand nghe thấy ông bố nói một mình ở
trong phòng, lão thỉnh thoảng cũng nói một mình như vậy khi có việc gì xúc
động. Bà Gillenormand lắng tai, nghe thấy lão đang nói:
— Nếu mày không là một thằng ngốc thì mày phải biết là một Nam Tước
không thể đồng thời là một luật sư.