II
MARIUS NGHÈO
Nghèo túng cũng như mọi cái khác, lâu dần rồi cũng chịu được và cũng
quen. Cuối cùng rồi cảnh nghèo túng cũng ổn định. Sống lay lắt, nghĩa là heo
hắt, cằn cỗi nhưng vẫn là sống. Cuộc sống của Marius đã được xếp đặt như
thế này: Marius đã qua được một chút. Cần cù, can đảm, nhẫn nại, cương
quyết, anh đã kiếm được vào khoảng bảy trăm francs một năm. Anh đã học
được tiếng Anh và tiếng Đức. Nhờ Courfeyrac giới thiệu với người bán sách,
Marius có vai trò khiêm tốn là người hữu ích trong ngành “văn học thư
quán" ấy. Việc làm cũng tạp nham: Viết quảng cáo, dịch báo, chú thích
những tác phẩm xuất bản, sưu tầm tiểu sử… Khi hơn khi kém đổ đồng bảy
trăm francs một năm. Sống tạm đủ. Như thế nào?
Chúng tôi xin nói: Marius ở trong cái nhà nát Gorbeau, một gian buồng
tồi tàn, không lò sưởi, chỉ có một vài thứ đồ gỗ cần thiết mệnh danh là phòng
luật sư, một năm thuê ba mươi francs. Những đồ gỗ ấy là của anh. Anh thuê
ba mươi francs mụ trông nhà để mụ quét dọn buồng và sáng sáng cho anh
một ít nước nóng, một quả trứng tươi và một xu bánh. Trứng với bánh ấy là
bữa sáng của anh. Mỗi bữa mất từ hai đến bốn xu tùy trứng đắt hay rẻ. Sáu
giờ chiều anh xuống phố Saint Jacques ăn cơm chiều ở hàng cơm Rousseau,
đối diện cửa hàng bán tranh Basset phố Mathurins. Anh không ăn xúp. Anh
lấy một đĩa thịt sáu xu, nửa đĩa rau ba xu và một món tráng miệng ba xu.
Thêm ba xu nữa thì có bánh ăn tùy thích. Nước lọc thay rượu. Khi trả tiền ở
quầy của bà Rousseau, hồi đó bà ta vẫn béo tốt và còn có vẻ tươi tắn, anh
cho người hầu bàn một xu, bà Rousseau bệ vệ đằng sau quầy cho anh một nụ
cười. Mất mười sáu xu anh được một nụ cười và một bữa ăn.
Ở cái hàng ăn Rousseau ấy người ta dốc nhiều nước mà ít rượu, cái hàng
ấy làm cho đỡ dạ hơn là no lòng. Ngày nay, cái hàng cơm ấy không còn nữa.
Chủ hàng lúc bấy giờ được tặng một cái danh hiệu khá đẹp: Lão Rousseau ở
nước.
Sáng ăn bốn xu, chiều ăn mười sáu xu, mỗi ngày Marius ăn mất hai mươi
xu, một năm là ba trăm sáu mươi nhăm francs. Cộng với ba mươi francs tiền