mơ như vậy - ông ước: “Giá ta giàu có!" Ấy không phải là lúc ông đang
nhòm một cô gái xinh, như lão Gillenormand, nhưng là đang ngắm một cuốn
sách quý giá. Ông sống một mình, có một người ở gái già. Ông mắc bệnh
thống phong tuy nhẹ, khi ông ngủ những ngón tay già tê thấp của ông còng
khoằm dưới tấm chăn ông đắp. Ông đã soạn và in được một bộ “Thực Vật
Vùng Cauteretz”, với những tranh phụ bản in màu khá được người đọc ưa
thích, bản khắc đồng ông giữ và sách tự ông bán lấy. Một ngày hai ba lần có
người đến kéo chuông nhà ông ở phố Mézières để mua sách. Mỗi năm ông
thu được hai ngàn francs cũng là gần tất cả gia tài của ông. Tuy nghèo,
nhưng với thời gian, với sự kiên trì, thắt lưng buộc bụng, ông đã tập hợp
được một tủ sách quý đủ loại. Ông ra phố bao giờ cũng cắp trong tay một
quyển sách và khi về thường cắp hai. Chỗ ở của ông gồm bốn gian buồng ở
tầng nền với một mảnh vườn. Vật trang trí chỉ có những tranh bách thảo lồng
khung và những bức danh họa cổ. Nhìn thấy một thanh gươm, một khẩu
súng làm ông đủ lạnh toát người. Suốt đời ông không đến cạnh một cỗ đại
bác, dù là đại bác trưng bày ở điện Invalides. Ông có một bộ máy tiêu hóa
bình thường, một người anh là cha xứ. Tóc ông đã bạc, không còn răng trong
mồm và trong trí tuệ, người lúc nào cũng run run, giọng nói xứ Picard, một
nụ cười của trẻ con, ông dễ sợ hãi và hiền như một con cừu già. Ngoài ra ông
không có bạn bè không có chỗ quen nào khác trong xã hội người sống, trừ
một ông lão bán sách tên là Royol ở cửa ô Saint Jacques. Ông mơ ước du
nhập giống cây chàm vào nước Pháp. Người ở gái già của ông cũng là một
loại người ngây thơ nữa. Bà già ấy vẫn là cô gái đồng trinh. Con mèo của bà,
bà gọi là Sultan, nó có thể meo meo bản “Xin Thương” của Allegri ở nhà
nguyện Sixtine, đủ chiếm tất cả trái tim bà và thỏa mãn tất cả yêu cầu tình
cảm của bà. Tất cả những ước mơ của bà chưa bao giờ vượt quá con mèo của
bà. Bà cũng có râu như con mèo đó. Tất cả tự hào của bà là ở cái mớ mũ
chụp của bà, lúc nào cũng trắng tinh. Ngày chủ nhật đi lễ về, bà kiểm điểm
lại quần áo dài bà mua, những cái áo đã cắt nhưng chưa bao giờ đưa may. Bà
biết đọc. Ông Mabeuf đã đặt tên cho bà là mụ Plutarque.
Ông Mabeuf ưa Marius, vì Marius trẻ và hiền, làm cho tuổi già của ông
thêm ấm áp và cái tính nhút nhát của ông không bị kinh động. Tuổi trẻ và
tính hiền dịu đối với ông già như ánh nắng mà không gió. Khi Marius đã