ngợp cả lòng về chiến công, vinh quang, thuốc súng, hành quân tới lui và tất
cả những trận đánh kỳ diệu mà cha anh đã giáng và bị trả những nhát kiếm
ghê gớm thì anh đến thăm ông Mabeuf và ông Mabeuf kể chuyện người anh
hùng trong việc trồng hoa.
Người anh ông, Linh Mục Mabeuf chết hồi 1830, tức thì như khi đêm
đến, cả chân trời tối sầm lại trước mắt ông. Viên chưởng khế của ông vỡ nợ,
thế là ông mất hết cả món tiền mười nghìn francs gia tài của anh ông và của
ông góp lại. Cách Mạng Tháng Bảy đưa ngành sách vào một cuộc khủng
hoảng. Trong thời kỳ eo hẹp kinh tế, sách Thực Vật là loại hàng người ta ít
mua nhất. Tập “Thực Vật Vùng Cauteretz" ế hẳn. Hàng tuần không có một
khách hàng mua. Đôi khi ông Mabeuf rùng mình sung sướng nghe thấy tiếng
chuông. Mụ Plutarque buồn bã bảo: “Thưa ông người gánh nước đấy ạ”. Rốt
cuộc, một hôm ông Mabeuf rời cái phố Mézières, từ chức quản lý nhà thờ,
bỏ Saint Sulpice, bán một phần, không phải sách mà những bức họa của ông
- cái mà ông thiết tha ít hơn - và đến ở một cái nhà ở đại lộ Montparnasse.
Ông cũng chỉ ở đấy có ba tháng vì hai lý do: Một là cái tầng dưới và cái
vườn một tháng phải trả ba trăm francs, mà ông thì không dám chi quá hai
trăm vào khoản tiền thuê nhà; hai là nhà ở gần trường bắn Fatou, cả ngày
nghe tiếng súng ông không chịu nổi.
Ông dọn quyển thực vật, các bản khắc đồng, các tập bách thảo sưu tầm,
các tập tài liệu và sách và đến ở gần khu Salpêtrière, trong một cái nhà tranh
ở làng Austerlitz, tiền nhà năm mươi écu một năm. Nhà có ba buồng, một cái
vườn, một hàng rào, có giếng nước. Nhân dịp dọn nhà này, ông bán hết cả đồ
đạc của ông. Hôm dọn đến chỗ ở mới này, ông rất vui và chính tay ông đóng
lên tường những chiếc đinh treo các bản khắc và các tập bách thảo. Hôm đó
còn thì giờ, ông cuốc vườn và buổi chiều thấy mụ Plutarque ủ rũ và nghĩ
ngợi, ông vỗ vai, mỉm cười bảo: “Ái chà! Chúng ta có cây chàm kia mà!”.
Chỉ có hai người khách, ông lão bán sách ở cổng Saint Jacques và Marius,
được tiếp ở túp lều làng Austerlitz,
cái tên quá huyên náo làm ông khó
chịu.
Vả lại, như chúng tôi vừa mới chỉ ra, những khối óc quá đam mê một đạo
đức hay một cuồng vọng, hoặc cũng thường cả hai, thì rất khó thấm những
chuyện thực tế ở đời. Cả số phận của họ, họ cũng không để ý tới. Những sự