chuyên chú ấy, đẻ ra một thái độ tiêu cực rất giống như là một triết lý sống
nếu là có ý thức. Bóng xế dần, xuống dần như nước trôi đi, rồi người ta sụp
đổ mà không biết. Cuối cùng thì người ta cũng thức tỉnh, nhưng muộn màng.
Trong khi chờ đợi, người ta hình như giữ thái độ trung lập trong cuộc thách
thức giữa hạnh phúc của họ và tai họa của họ. Chính bản thân họ là món đặt
cược, thế mà họ lại thờ ơ. Chính vì thế mà trong khi tất cả hy vọng tắt dần
trong cái bóng tối bao phủ xung quanh ông, ông Mabeuf vẫn bình thản, cái
bình thản có vẻ ngây ngô nhưng rất sâu sắc. Nếp sống tinh thần của ông đều
đặn như cái quả lắc đồng hồ đung đưa; khi một ảo tưởng đã lên giây cái
đồng hồ thì quả lắc cứ chạy rất lâu, cả khi ảo tưởng đã mất. Đồng hồ không
đứng lại tức khắc khi người ta đánh mất cái chìa khóa.
Ông Mabeuf có những sự giải trí ngây thơ, những giải trí rẻ tiền và bất
ngờ, do những chuyện tình cờ mang đến. Một hôm mụ Plutarque đọc một
quyển truyện trong một góc buồng. Mụ đọc to, y như đọc to thì hiểu hơn ấy.
Đọc to tức là khẳng định cho mình là mình đọc đây. Có những người đọc rất
to như cam đoan với mình những điều mình đang đọc. Mụ Plutarque đang
đọc với tất cả cái năng lực ấy cuốn truyện mụ cầm trên tay. Ông Mabeuf
nghe lơ đãng.
Đấy là chuyện một sĩ quan khinh kỵ binh với một cô gái. Mụ Plutarque
đọc đến câu này: “…người yêu phật ý và sĩ quan đầu rồng”…
ngừng đọc để lau kính.
Ông Mabeuf nhắc lại nho nhỏ:
— Phật và rồng, đúng rồi, ngày xưa có một con rồng, từ đáy hang của nó
phun lửa ra đốt cháy cả trời. Nhiều ngôi sao đã bị thiêu cháy. Con quái vật
này lại có vuốt như vuốt hổ. Phật đã vào trong hang con rồng và đã giác ngộ
được con quái vật. Mụ đang đọc một quyển sách hay đấy, mụ Plutarque ạ.
Chẳng có chuyện thần thoại nào hay hơn.
Thế rồi ông để trí ông chìm đắm trong một giấc mơ êm ái.