Chàng ra khỏi vườn Luxembourg, mong gặp lại nàng ngoài phố. Chàng
gặp Courfeyrac dưới cổng rạp Odéon:
— Đi ăn với mình đi.
Marius kéo Courfeyrac đến tiệm ăn Rousseau, hai người ăn hết sáu
francs. Marius ăn như hùm. Chàng thưởng cho đứa trẻ hầu bàn sáu xu, khi ăn
tráng miệng chàng hỏi Courfeyrac:
— Đã đọc nhật báo chưa? Bài diễn văn của De Puyraveau tuyệt nhỉ!
Marius yêu như si như dại. Ăn xong chàng bảo Courfeyrac:
— Tao thết mày một tối xem hát.
Hai người đến rạp Porte Saint Martin xem tài tử Frédérick trong vở
Auberge Des Adrets. Marius thích thú hết sức. Nhưng Marius đồng thời
cũng trở nên khó tính. Ở rạp hát ra, gặp một cô thợ may áo kiểu bước qua cái
rãnh nước để lộ đùi, chàng ngoảnh mặt không nhìn và gần như tởm khi nghe
Courfeyrac bảo: “Cô ả này đáng được vào kho tao".
Ngày hôm sau Courfeyrac lại rủ Marius đi ăn sáng ở tiệm Voltaire.
Marius ăn nhiều hơn hôm trước. Chàng nghĩ ngợi nhiều và rất vui, nghe cái
gì cũng bật lên cười được; anh trìu mến ôm choàng lấy một ông quê ở tỉnh
nhỏ và được người ta giới thiệu. Một đám sinh viên túm lại chung quanh bàn
ăn, bàn tán xôn xao về việc Chính Phủ vứt tiền để cho mấy ông giáo sư ba
hoa vớ vẩn trên bục trường Sorbonne, rồi lại bàn đến những sai lầm và thiếu
sót trong những từ điển và sách âm luật của nhà xuất bản Quicherat. Marius
ngắt lời mọi người và nói to lên:
— Thế mà có một chiếc huân chương cũng vẫn thú!
Courfeyrac bảo thầm Jean Prouvaire:
— Sao nó ngớ ngẩn thế?
— Không ngớ ngẩn đâu. Nghiêm trọng đấy.
Nghiêm trọng thật. Marius đang bước vào những giờ phút say mê kích
động, bắt đầu một mối tình sâu sắc. Tất cả chỉ vì một khóe mắt.
Khi mìn đã nhồi thuốc, đám cháy đã sẵn sàng, thì chẳng còn khó khăn gì.
Một khóe mắt là tia lửa châm ngòi. Thế là xong. Marius đã yêu một người
đàn bà. Cuộc đời chàng đi vào chỗ vô tri vô định. Ánh mắt phụ nữ như một
bộ phận bánh xe trong máy móc, có vẻ yên lặng mà ghê gớm. Ngày ngày
anh đi bên cạnh rất bình yên, không xảy ra việc gì, không nghi ngờ gì. Thậm