IV
NỨT RẠN TỪ MÓNG
Trong lúc câu chuyện kể đây sắp đi vào đám mây mù kinh khủng đang
bao phủ dày đặc những bước đầu của triều vua Louis Philippe, chúng tôi
thấy cần phải giải thích về ông vua ấy chứ không thể nào để nhập nhằng
được.
Louis Philippe lên ngôi vua không bằng bạo lực, cũng không bằng hành
động trực tiếp của ông ta, mà chỉ vì Cách Mạng chuyển hướng, - chuyển
hướng như thế tất nhiên là khác xa với mục đích chân thực ban đầu, nhưng
trong công việc đó, Công Tước Orléans, tức là ông ta, chẳng có vai trò chủ
động nào cả. Sinh ra là Hoàng Thân, ông coi mình như đã được bầu lên làm
vua. Cái thiên mệnh ấy ông không tự phong cho mình, mà cũng không giành
giật lấy; người ta đem dâng cho ông thì ông nhận thôi. Cố nhiên ông cũng sai
lầm khi đinh ninh rằng người đem dâng như thế là theo đúng quyền lý, còn
ông nhận cũng là việc bổn phận thôi. Do đó ông thành tâm mà lên ngôi vua.
Chúng tôi công nhận Louis Philippe lên làm vua rất thành ý, mà phe Dân
Chủ công kích nền Quân Chủ cũng là thành ý, nên khi người ta hoảng sợ
trước những cuộc đấu tranh giữa hai lực lượng, người ta không đổ tội cho
nhà vua mà cũng chẳng đổ tội cho phe Dân Chủ. Một cuộc xung đột về
nguyên lý xã hội cũng chẳng khác gì một cuộc xung đột giữa những lực
lượng thiên nhiên. Đại dương bảo vệ nước, bão tố bảo vệ không khí; nhà vua
bênh vực ngôi vua, dân chủ bênh vực nhân dân, cái tương đối là Quân Chủ
chống lại cái tuyệt đối là Cộng Hòa. Xã hội chảy máu trong cuộc xung đột,
nhưng cái gì làm cho xã hội bây giờ phải đau đớn nhất định sẽ là cái cứu vớt
xã hội sau này. Và trong trường hợp nào cũng vậy không nên chê trách
những kẻ đứng ra chiến đấu. Tất nhiên giữa hai phe phải có một phe nhầm
lẫn. Chân lý có phải như tượng thần khổng lồ ở Rhodes đâu mà đứng cả hai
bờ, một chân ở đất Cộng Hòa, một chân ở đất Quân Chủ. Chân lý là một,
không thể phân chia, nhất định là chỉ ở về một bên. Có điều kẻ lầm lẫn lại
thực tâm mà lầm lẫn; một người mù mắt chẳng tội lỗi gì thì một anh Bảo
Hoàng cũng đâu có phải là một tên kẻ cướp? Những xung đột ghê gớm ấy