Phú bấm chuông hai lần. Một lúc sau, cánh cửa tầng hai bật mở, cái
Thuỷ thò đầu ra. Tiếng của nó bị át đi bởi tiếng con chó béc giê rống lên
ông ổng:
- Chú Phú. Chú đi Sài Gòn ra sớm thế? Bố cháu bảo cuối tháng chú mới
về cơ mà?
- Ờ chú có việc gấp nên phải về đơn vị. Mẹ có nhà không Thuỷ?
- Mẹ cháu đi làm từ sáng sớm.
- Thế hả? Làm trên cửa hàng phải không? Thôi, không phải mở cửa nữa.
Chú lên gặp mẹ một lát.
Phú vội vẫy vẫy một chuyến xe buýt. Năm phút sau anh đã có mặt trước
quầy bán hàng kinh doanh của khách sạn, nơi Năm làm việc.
Có đến hơn chục cô gái trẻ măng, áo bờ-lu trắng, mũ trắng đang đứng
quây quanh một quày phở. Gian hàng rộng mênh mông, kê ba dãy bàn dài
nhưng hầu như không có khách. Vào giờ này có lẽ còn quá sớm nên người
ta chưa đi ăn hiệu chăng? Phú hơi phân vân, nhưng để trả lời cho câu hỏi
của anh, ngay phía đối diện với của hàng mậu dịch, bên kia đường, một
hàng phở tư nhân chỉ có ba người phục vụ mà khách đứng xếp hàng rồng
rắn ra tận lề đường. Xe Cúp, xe Bavétta, Mô-kích, xe đạp đủ loại xếp ngổn
ngang chắn hẳn cả một đoạn hè phố.
Với cung cách làm ăn này thì nhà nước còn nghèo - Phú nghĩ - Bao
nhiêu vật tư phương tiện nhà nước giao cho một số người nhưng hầu như
năm nào cũng phải bù lỗ. Cả cửa hàng rộng vung vinh này, những bàn ghế
phương tiện quá ư thừa thãi này, nếu cho ba vợ chồng con cái hàng phở tư
nhân kia thì nó sẽ sinh ra bao nhiêu lợi nhuận? Và những người ăn cũng đỡ
phải xếp hàng rồng rắn, đỡ phải ngồi la liệt ngoài vỉa hè thế kia. Vậy mà đã
bao năm nay nó nằm trong tay những "tiểu thư" suốt đời không biết nấu
một bất phở ra hồn, nhưng lúc nào cũng thường trực cái ý nghĩ là bằng mọi
cách phải kiếm chác ở cửa hàng để làm giàu. Lâu lắm rồi Phú không đi ăn
hàng mậu dịch. Nhưng hai tuần trước đây một người bạn gặp anh và kéo
bằng được đi làm một chầu bia. Phải nói rằng cửa hàng ấy buổi trưa đông
đúc lắm. Bia bán kèm phở và thức nhắm. Một cốc bia ba mươi đồng, nhưng