muốn uống phải bỏ ra hai trăm. Hai đứa uống bốn cốc, mất gần ngàn bạc.
Nếu như không có món độc quyền bia hơi kia, chắc chắn hàng chục cô mậu
dịch viên chỉ đứng túm tụm nhau bên những bát phở nguội ngắt và nhạt
thếch mà khách hàng chỉ trót ăn một lần là cạch đến già. Họ đắc ý, tự mãn
khi đã kiếm ược một chân biên chế ở đây, nhưng họ không biết rằng thực
chất họ mới chính là những thương nhân cắt cổ. Phải chi các cô Mến, cô
Xoan được đánh đổi lấy cái công việc béo bở kia của họ một năm. Và hãy
thử cho hơn chục cô gái mũm mĩm trẻ măng kia lên nông trường, đi mở
đường để phục vụ Tổ quốc. Hãy tạo ra một sự công bằng, một cơ chế tồn
tại trên sự công bằng mới mong xoá bỏ được cái ranh giới cách biệt giữa
con người, mới mong tạo ra một nền đạo lí. Suy cho cùng, cả Phát, cả Năm
hay Lộc, Bính, hay hơn chục cô gái kia đều chỉ là sản phẩm của một cơ chế
đầy rẫy những khe hở và sự bất công bằng mà thôi. Nếu họ không có mặt ở
đó thì sẽ lập tức có những người khác lấp vào. Nếu ban đầu họ sống trong
sạch, lương thiện thì rồi cuộc sống khó khăn sẽ đẩy họ đến chỗ tham lam,
biển lận. Và chính điều kiện, phương tiện tự nó mách bảo, xúi giục họ làm
chuyện ấy. Đội sà lan của Phú ngày trước là một ví dụ. Lấy một tấn than,
một tấn gạo trên chuyến sà lan hàng trăm tấn, coi như không lấy. Thế nên
mới có hàng loạt vụ tham ô mà cả thuyền trưởng, thuỷ thủ cùng đồng loã
chủ mưu. Một cơ chế quản lí như vậy không thể cầu mong ở lòng tốt và sự
chân thực ở mỗi người. Phải có một cách gì đó để những người xấu cũng
phải làm việc như những người tốt, và họ không thể xấu hơn được. Còn
những người tốt, tất nhiên sẽ càng tốt và nhiều lên...
- Anh trai định ăn phở hay định bắt bồ với ai mà cứ đứng ngẩn ra thế
kia?
Mấy cô mậu dịch viên bấm chí nhau khúc khích cười từ nãy bây giờ một
cô béo tròn có đôi mắt xếch tô đậm như mắt văn công mới cất giọng véo
von.
Phú đỏ bừng mặt, như vừa làm một động tác gì rất ngố trước mặt các cô
gái. Anh bỗng trở nên cáu kỉnh một cách vô cớ.