vào thân. Có ai bắt Năm phải đi? Cứ mặc xác cô ta, cái cô ả Thị Mầu ấy.
Muốn cướp chồng người ta thì khắc phải chịu hậu hoạ. Ác giả ác báo. Hãy
cứ để cô ta ôm cái bụng vượt mặt mà vênh váo với thiên hạ. Chẳng có bằng
chứng gì mà bắt vạ ai cả. Mà có bắt vạ thì cũng đừng hòng doạ nổi gái
này...
Năm ngồi thừ bên quán nước, ức đến đầy cả ruột. Nhưng rồi chị cũng
nghĩ lại. Dường như chị cảm thương cho cô gái xấu số kia. Cũng một phận
đàn bà. Ở một nơi heo hút như thế này, riêng những thiếu thốn về mặt tình
cảm đã là một sự khổ ải. Vả lại, biết đâu cô ta lại là một người đàn bà liều
lĩnh? Cô ta sẽ bế thốc đứa bé xuống xí nghiệp của Phát thì sao? Một đứa bé
giống Phát như lột thì thật là một thảm hoạ không chỉ cho Phát mà cho cả
Năm nữa. Nhất là đứa bé ấy lại là một thằng Phát con. Ôi, lúc áy thì đã quá
muộn. Ván cờ sẽ xoay ngược tình thế. Mẹ con Năm sẽ hoàn toàn là những
kẻ chiến bại....
Như ngồi phải đống kiến lửa, Năm nhỏm bật dậy, trả tiền nước. Bằng
mọi giá phải đến ngay đoạn bảo dưỡng cầu đường. Chưa thấy đói, nhưng
Năm quyết định phải ăn một cái gì. Phải lấy sức để đi bộ mười cây số. Phải
dè chừng khả năng từ giờ đến đêm không có hạt cơm nào vào bụng.
Hai chiếc bánh mì kẹp giò lụa và gói bánh quy bơ Năm đã chuẩn bị sẵn ở
Hà Nội, nhưng chị muốn dùng làm thức ăn dự phòng. Có một quầy phở
mậu dịch ở gần bến xe, nhưng chỉ liếc qua Năm đã phát ớn. Cùng trong
nghề nhưng sao Năm có ác cảm với những cửa hàng ăn mậu dịch. Loại phở
trâu kia, ăn vào, đi ngoài sớm. Mà mấy cô bán hàng, trẻ trung thật nhưng
sao mặt mày cứ lạnh tanh và cau có như những bà già.
Tìm mãi mới thấy một quán phở tư treo mành im ỉm như nhà có gái đẻ.
Ở miền núi, thiếu gia vị, nhưng được cái nước dùng rất nóng. Thấy có
khách sang, bà chủ quán bỏ thêm một thìa mì chính khiến Năm ăn thấy
ngon miệng hẳn.
Đang ăn thì có tiếng ôtô còi ở ngoài cửa. Năm nhìn ra. Một anh lái xe
chạc bốn mươi, quần áo xanh bảo hộ lao động, bước vào quán.
Bà chủ quán nhận ra người quen, cười toe toét: