đi xăm xăm ra phía cửa.
Nhà văn Lữ Hành cười, nhún vai.
- Thôi, chú Phát cứ cầm lấy. Tôi hiểu tính thằng Tựu. Đừng làm cho nó
nổi cáu lên...
Năm đứng ở cửa, mặt đỏ nhừ và đôi mắt giàn giụa nước không hiểu vì
khói bếp hay vì khóc. Bữa cơm khách mà chị đã tốn bao nhiêu công sức,
chiều nay thế là đành bỏ ế.
*
Đúng vào lúc nhà văn Lữ Hành và Tựu đang ngồi chơi ở nhà Phát thì
Phú cũng vừa về đến ga Hà Nội.
Chuyến về Hà Nội này, ngoài dự định của Phú.
Một tuần trước đây, khi viết thư cho Tựu, Phú chủ định rằng, ngoài vợ
chồng Tựu ra, anh sẽ không báo tin mình sẽ tổ chức cưới cho ai cả. Trước
ngày cưới một hôm, Phú sẽ điện cho bố và vợ chồng Phát cùng cô Lộc, như
một thông báo có tính chất hình thức, thế thôi.
Nhưng khi bàn bạc cụ thể với Xoan, Phú mới giật mình hoảng hốt, vì
đụng đến thứ gì cũng tốn bạc nghìn mà cả anh và Xoan đều không có tiền.
Tài sản của Phú, sau khi xuất ngũ, chỉ vẻn vẹn có ba bộ quần áo, cái màn
cá nhân, chiếc đồng hồ cũ và hơn nghìn bạc tiền giải quyết chế độ. Của hồi
môn của Xoan cũng chẳng hơn gì anh. Gia tài mà cô tích góp nhịn ăn để
giành từ ngày lên nông trường là cuốn sổ tiết kiệm gửi ngoài ngân hàng
huyện, nhưng qua mấy kì đổi tiền giá trị thực của nó đã giảm đi hàng trăm
lần, bây giờ chỉ còn đúng năm nghìn đồng, không mua nổi một cái màn
tuyn.
- Có thế nào tổ chức thế thôi anh ạ - Xoan vay thêm bạn bè, đưa cho Phú
mười nghìn và nói như khóc. - Em chẳng may sắm gì cho mình cả đâu.
Quần áo có sẵn, thế cũng đủ rồi.
- Anh phải về Hà Nội - Phú quyết định - Cả đời chúng mình chỉ cưới
được một lần. Chúng mình với nhau thì không sao. Nhưng còn anh em, bạn
bè. Tổ chức lúi xùi quá, người ta cười cho.