đùa, nhưng còn những lúc khác - ừm, chúng ta cũng không chắc chắn
lắm...” Bà cúi người về phía trước và gọn gàng quét tro vụn dưới ghi lò, rồi
tay vẫn cầm chổi, bà lại nhìn chằm chằm vào đống lửa. “Nó không phải
một cậu bé khỏe mạnh lắm: lần đầu tiên khi trở về từ Ấn Độ nó đã bị sốt do
thấp khớp. Nó lỡ cả một học kỳ và bị đưa về nông thôn để hồi phục. Đến
nhà một bà dì. Sau này ta cũng đã đến đó. Đó là một ngôi nhà cổ kỳ lạ...”
Bà treo chổi lên cái móc bằng đồng, lau bụi trên tay bằng chiếc khăn mùi
soa, rồi cầm miếng đan lên. “Phải châm đèn lên thôi,” bà nói.
“Khoan đã,” Kate nằn nì, cúi người về phía trước. “Xin bà tiếp tục đi. Xin
bà kể cho cháu...”
“Nhưng ta đã kể cho cháu rồi mà.”
“Không, chưa. Ngôi nhà cổ ấy - có phải đó là chỗ ông ấy đã nhìn thấy - ông
ấy đã nhìn thấy...?”
Bà May cười. “Chỗ nó đã nhìn thấy những Người Vay Mượn? Phải, đó là
điều mà nó đã kể cho chúng ta... điều mà nó muốn chúng ta tin. Và hơn
nữa, có vẻ như không chỉ nhìn thấy họ mà nó còn biết rất rõ về họ; nó đã
trở thành một phần trong cuộc sống của họ; thực ra ta gần như có thể nói
chính nó đã trở thành một Người Vay Mượn...”
“Ôi, kể cho cháu đi, cháu xin bà. Bà cố gắng nhớ đi. Ngay từ đoạn đầu ấy!”
“Nhưng ta vẫn nhớ đấy chứ,” bà May nói. “Kỳ lạ ở chỗ ta nhớ nó rõ hơn
nhiều chuyện thật đã xảy ra. Có thể đó là chuyện thật. Chỉ là ta không biết
thôi. Cháu biết không, trên đường trở lại Ấn Độ em trai ta và ta ở chung
một khoang tàu - em gái ta thường ngủ với cô gia sư - và, trong những đêm
rất nóng nực đó, nhiều lúc chúng ta không ngủ được; vậy là em trai ta lại
nói chuyện hàng tiếng hàng tiếng đồng hồ, nhắc lại những câu chuyện cũ,
kể lại các cuộc nói chuyện, kể đi kể lại cho ta các chi tiết - tự hỏi họ có
khỏe không, đang sống ra sao và...”
“Họ? Họ là ai - chính xác họ là ai?”