Arrietty đi tha thẩn qua cánh cửa mở vào phòng khách. A, lò sưởi đã được
đốt và căn phòng trông sáng sủa ấm cúng. Bà Homily tự hào về phòng
khách của mình: tường được dán mẩu vụn của những bức thư cũ gom được
từ thùng giấy rác, và bà Homily đã sắp xếp sao cho những dòng chữ viết
tay hàng ngang thành những đường kẻ dọc chạy từ sàn nhà đến trần nhà.
Treo trên tường, lặp đi lặp lại trong những màu sắc khác nhau, là mấy tấm
chân dung của Nữ hoàng Victoria hồi trẻ; đó là những con tem bưu chính,
đã được ông Pod mượn vài năm trước đây từ cái hộp tem trên bàn viết
trong phòng ăn sáng. Có một hộp nữ trang bằng sơn bóng, độn bông bên
trong và nắp luôn mở, được họ dùng làm trường kỷ; và cái tủ hữu ích đó -
một cái tủ com mốt làm từ những hộp diêm. Có một cái bàn tròn với khăn
trải bằng nhung đỏ, được ông Pod chế tạo từ cái đáy bằng gỗ của một chiếc
hộp đựng thuốc viên, đặt bên trên cái đế chạm trổ của một con mã trong bộ
cờ. (Việc này đã gây nên rắc rối lớn ở trên nhà khi con trai cả của bà dì
Sophy, trong một chuyến thăm chớp nhoáng vào giữa tuần, đã mời cha xứ
“chơi một ván cờ sau bữa tối.” Rosa Pickhatcher, là người hầu lúc đó, xin
nghỉ việc. Sau khi cô rời khỏi thì người ta mới phát hiện ra là các đồ đạc
khác đã bị mất, và không ai khác được thuê thay thế chỗ của cô ta nữa. Từ
đó trở đi bà Driver cai trị độc quyền). Riêng con mã - hay có thể nói là
tượng bán thân của nó - được đặt trên một cái cột trong góc, ở đó trông nó
rất đẹp, và làm căn phòng toát lên một không khí mà chỉ những bức tượng
mới làm được.
Bên cạnh lò sưởi, trên chiếc giá sách nghiêng bằng gỗ, là bộ sách của
Arrietty. Đây là một bộ sách thu nhỏ mà người thời Victoria rất thích in,
nhưng đối với Arrietty thì có vẻ như đó phải là cỡ của những cuốn kinh nhà
thờ rất lớn. Có các bộ sách của nhà xuất bản Bryce như bộ Từ điển Địa lý
Thế giới của Tom Thumb, với những điều tra dân số mới nhất; bộ Từ điển
của Tom Thumb, với những giải thích ngắn gọn các thuật ngữ khoa học,
triết học, văn học và kỹ thuật; bộ Ấn bản của Tom Thumb về Hài kịch của
William Shakespeare, có cả lời tựa về tác giả; một cuốn sách khác, mà các
trang đều để trống, gọi là Hồi ký; và cuối cùng nhưng không kém phần