Jo gần như không nhận ra bản thảo của mình vì các đoạn văn đã được viết
lại và các trang giấy bị nhàu nát. Nhưng với cảm giác giống như lúc một
người mẹ thương con được đề nghị cưa bớt chân đứa con để cho nó nằm vừa
cái nôi mới, cô nhìn các đoạn đánh dấu và ngạc nhiên nhận ra rằng tất cả
những đoạn suy ngẫm về mặt đạo đức mà cô đã cẩn thận đưa vào làm phần
đệm cho câu chuyện lãng mạn đều bị cắt bỏ.
– Nhưng thưa ông, tôi nghĩ là câu chuyện nào cũng phải chứa đựng một
khía cạnh đạo đức nào đó, vì vậy mà tôi đã cẩn thận để cho một vài nhân vật
tội lỗi của tôi biết tỏ ra hối hận.
Vẻ mặt nghiêm nghị của ông Dashwood giãn ra thành một nụ cười, vì Jo
quên khuấy “người bạn” của mình và nói những điều chỉ có chính tác giả
mới có thể nói được.
– Thiên hạ muốn giải trí chứ không phải muốn nghe giảng đạo đức, thưa
cô. Thời buổi chúng ta, đạo đức không bán được. – Ông Dashwood nói.
Nhưng điều này không hoàn toàn đúng.
– Vậy thì ông thấy sẽ rất phù hợp nếu sửa đổi như thế này?
– Phải, đây là một câu chuyện mới lạ, bố cục rất hay và giọng văn tốt. –
ông Dashwood nhã nhặn đáp.
– Ông định… nghĩa là, thù lao… – Jo nói, nhưng không biết chính xác
nên diễn đạt như thế nào.
– À phải rồi, dĩ nhiên! Chúng tôi trả từ hai mươi lăm đến ba mươi đô-la
cho loại truyện như thế này. Thanh toán khi truyện được in. – Ông
Dashwood đáp, như thể đã quên điểm này. Các tổng biên tập thường không
quan tâm đến những chi tiết vụn vặt.
– Được rồi, ông hãy nhận đi. – Jo nói và đưa lại bản thảo cho ông ta, vẻ
thỏa mãn. Vì sau khi đã viết loại một đô-la mỗi cột bài thì hai mươi lăm đô-
la dường như cũng đã là quá tốt.
– Tôi nói với bạn tôi rằng ông sẽ nhận truyện nữa nếu cô ấy có bản thảo
hay hơn thế này nhé? – Jo hỏi, hoàn toàn quên béng sự lỡ lời lúc nãy và
mạnh dạn hơn nhờ thành công của mình.