một nhận xét cộc lốc.
– Tôi lấy làm tiếc là chị không tìm thấy gì hay hơn để đọc. Tôi viết mấy
chuyện tầm phào đó chỉ vì chúng bán được và những người tầm thường
thích đọc chúng. Mùa đông năm nay các chị có đi New York không?
Vì cô Lamb rất thích truyện ngắn đó nên những lời vừa rồi chẳng thể hiện
thái độ hàm ơn hay khen ngợi tí nào. Vừa buột miệng nói xong, Jo hiểu rằng
mình đã phạm sai lầm. Nhưng vì lo ngại sẽ làm cho tình thế tồi tệ hơn, cô
bỗng nhớ ra cô phải là người ra dấu hiệu rút lui trước. Cô làm việc này đột
ngột đến mức khiến cho ba người kia im bặt khi chưa nói hết câu.
– Amy, chúng ta phải xin phép thôi. Xin tạm biệt các chị. Hãy đến thăm
chúng tôi một ngày gần đây nhé. Chúng tôi mong chờ các bạn đến chơi. Tôi
không dám mời anh, thưa anh Lamb, nhưng nếu như anh hạ cố đến, thì tôi
không nỡ lòng nào đuổi anh về!
Jo nói câu sau cùng này và bắt chước giọng của May Chester giống đến
nỗi Amy phải bước nhanh ra khỏi phòng vì em vừa muốn cười vừa muốn
khóc cùng một lúc.
– Chị làm tốt chứ? – Jo hỏi khi cả hai đã ra khỏi nhà.
– Không còn gì tồi tệ hơn. – Amy trả lời như quất vào người. – Tại sao
chị lại kể những chuyện yên cương, mũ mãng, giày ủng của em và đủ thứ
chuyện khác như thế chứ?
– Có sao đâu. Những chuyện đó hài hước và giúp cho mọi người vui! Họ
biết là chúng ta nghèo, cho nên chẳng việc gì phải giả vờ rằng chúng ta có
người chăm sóc ngựa, chúng ta mua ba bốn chiếc mũ mỗi mùa và có cuộc
sống sung túc, dễ dàng như họ.
– Chị đâu cần phải kể cho họ nghe về những thủ thuật của chúng ta và
trưng cảnh nghèo khó của nhà ta ra một cách không cần thiết như thế. Chị
không có một tí sĩ diện nào và sẽ chẳng bao giờ biết lúc nào thì nên giữ
mồm giữ miệng và lúc nào thì nên nói. – Amy tuyệt vọng nói.
Cô Jo tội nghiệp mặt buồn so, lặng lẽ dùng khăn tay chà lên mũi, như thể
đang tự phạt những việc làm khinh suất của mình.