Trong suốt những năm đầu tồn tại, Hệ thống Dự trữ Liên
bang phải loay hoay giữa cả núi công việc ngổn ngang cần làm. Nó
đang phải cố gắng xây dựng đội ngũ công nhân viên chức cho riêng
mình; nó lại không có chút kinh nghiệm nào với tư cách là một tổ
chức chuyên đảm trách các vấn đề tiền tệ, và vì là sản phẩm của vô
vàn thỏa thuận chính trị, nên hiến chương của nó đầy rẫy những
điểm mâu thuẫn và bất ổn. Benjamin Strong, thống đốc của Ngân
hàng Dự trữ Liên bang New York, đã nhanh trí lợi dụng ngay tình
trạng rối ren khi chưa ai xác định được đâu là người nắm quyền
kiểm soát chính. Mặc dù trên giấy tờ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang
New York cũng chỉ đơn thuần là một trong số mười hai Ngân hàng
Dự trữ Liên bang khu vực và về mặt lý thuyết, nó nằm dưới sự
giám sát của Hội đồng Ngân hàng dự trữ Liên bang đặt tại
Washington, một cơ quan bao gồm các chính trị gia được bổ nhiệm,
song nó lại là ngân hàng dự trữ lớn nhất với quy mô vượt xa các anh
em khác của mình; và Strong đã chủ động giành lấy trọng trách lèo
lái cả hệ thống. Nhờ mối quan hệ rộng rãi trong giới ngân hàng
New York, và bản thân cũng chính là một trong những kiến trúc sư
trưởng đã thai nghén nên hệ thống này, cộng với yếu tố quan
trọng nhất là cá tính trời sinh, ông đã dần dần thâu tóm quyền
chi phối mọi cuộc thảo luận về chính sách tài chính và tiền tệ.
Khi vàng ngày càng dồn về các Ngân hàng Dự trữ Liên bang
nhiều hơn, có hai mối lo lớn thường xuyên ám ảnh Strong. Một là
khi chiến tranh kết thúc, số vàng này có thể lại chảy về châu Âu,
đẩy toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ vào tình trạng bất ổn nghiêm
trọng. Hai là số vàng vẫn ở lại, nên khả năng cao sẽ gây ra cảnh
thiếu hụt dự trữ tại châu Âu và đe dọa kéo tỷ lệ lạm phát ở Mỹ lên
cao hơn nữa. Ông nhận ra rằng, dù trường hợp nào xảy ra, thì FED
cũng không đủ năng lực để tự mình xử lý những biến cố nói trên, và
sẽ phải viện tới sự phối hợp hành động từ các ngân hàng Trung ương