SỰ SỤP ĐỔ của nền kinh tế thế giới kéo dài từ năm 1929 đến
năm 1931 - ngày nay chỉ được gọi bằng cái tên ngắn gọn Cuộc Đại
suy thoái - là sự kiện kinh tế có ảnh hưởng sâu sắc nhất trong thế
kỷ XX. Không có đất nước nào thoát khỏi nanh vuốt của nó; trong
suốt hơn mười năm ròng, tình trạng bất ổn mà nó gây ra từ những
ngày khởi đầu đã bao trùm khắp thế giới, hủy hoại mọi phương
diện của đời sống vật chất và xã hội và phá nát tương lai của cả một
thế hệ. Cũng chính từ nó mà sinh ra cảnh hỗn loạn ở châu Âu trong
suốt “thập kỷ tha hoá suy tàn” thuộc những năm 1930, dẫn đến sự
lên ngôi của Hitler và chủ nghĩa phát xít Đức, và kết cục bằng bi
kịch toàn cầu chìm vào Chiến tranh Thế giới thứ Hai, một cuộc
chiến tranh thậm chí còn đẫm máu hơn cả Chiến tranh Thế giới
thứ Nhất.
Câu chuyện về quá trình tụt dốc từ sự phát triển bùng nổ vào
những năm 20 của thế kỷ cho tới cuộc Đại suy thoái có thể được kể
theo muôn vàn phương thức khác nhau. Trong khuôn khổ cuốn sách
này, tôi đã chọn cách nhìn từ vị thế những người nắm trọng trách
vận hành bốn ngân hàng Trung ương lớn nhất thế giới: Ngân hàng
Trung ương Anh quốc, Hệ thống Dự trữ Liên bang, Ngân hàng
Trung ương Đức, và Ngân hàng Trung ương Pháp.
Khi Chiến tranh Thế giới thứ Nhất kết thúc vào năm 1918,
một trong số những đối tượng bị tổn hại nặng nề nhất do hậu quả
của cuộc chiến chính là hệ thống tài chính thế giới. Trong suốt
nửa cuối thế kỷ XIX, một guồng máy tài chính quốc tế tinh vi,
đầu não đặt tại Thành phố London, đã được xây dựng trên nền
tảng chế độ bản vị vàng và đem theo nó là sự tăng trưởng rõ rệt của
thương mại và của cải trên toàn cầu. Ở thời điểm năm 1919, cỗ máy
đó chỉ còn nằm đắp chiếu. Cả Anh, Pháp, và Đức đều tiến gần
sát đến bờ vực phá sản, nền kinh tế của các nước này phải oằn
mình gánh những khoản nợ khổng lồ, dân chúng rơi vào cảnh nghèo